Tàn tật chưa bao giờ là lựa chọn của những người sẽ phải sống với điều đó đến hết cuộc đời, nguyên nhân có thể là do bẩm sinh hoặc do những tai nạn. Nếu có cơ hội, chắc chắn bất kì ai đang phải chịu cảnh tật nguyền sẽ đều nắm lấy để được sống lành lặn, bình thường như bao người khác.
Thế nhưng đâu đó trên thế giới này lại có những người khỏe mạnh “trái khoáy” khát khao được sống cuộc đời tật nguyền. Họ tự gọi mình là “transabled”, và người nổi tiếng nhất liên quan đến “trào lưu” này là cô Chloe Jennings-White, 63 tuổi, một nhà hóa học sống ở Utah.
Cô chia sẻ, từ khi còn nhỏ, cô đã nhận ra rằng tạo hóa sai lầm ở chỗ ban cho cô một đôi chân lành lặn. Cô ganh tị với những đứa trẻ tàn tật và thậm chí còn muốn được như một người dì của cô, bà đã phải dùng nẹp cố định xương chân vì bị tai nạn đường bộ. Cô thậm chí còn nhiều lần cố gắng để mình bị ngã xe với mong muốn “được” gãy chân, nhưng chỉ nhận lại bầm tím xây xước thông thường.
Jennings-White kết hôn với cô Danielle Saint-Marie, và người vợ của cô cũng hết sức ủng hộ quyết định này. Hiện giờ cô đang ngồi xe lăn và dùng những chiếc nẹp cố định ngoài cho chân của mình để có được “cảm giác tàn tật”, và có thể coi như bản thân bị liệt từ hông trở xuống. Điểm khác biệt ở đây là, không giống với những người thực sự bị liệt, Jennings-White chỉ cần bỏ nẹp chân ra rồi… đứng dậy khỏi xe lăn là trở lại thành người bình thường, với đôi chân đầy đủ chức năng và khỏe mạnh.
“Bản năng của tôi nói rằng chân tôi đúng ra không nên hoạt động. Bất kì cảm giác hay hoạt động nào với nó đều thật… sai sai.” Cô Jennings-White chia sẻ với tờ Daily Mail. Cô còn đang tích cực kiếm tìm một bác sĩ phẫu thuật để “vô hiệu hóa” chân mình, với yêu cầu cắt hết các dây thần kinh ở hông cũng như xương đùi; nhưng dĩ nhiên là không bác sĩ nào dám nhận một ca như này cả.
Theo một báo cáo từ tờ National Post, Alexandre Baril (nhà nữ quyền, giáo sư nghiên cứu về bản dạng giới và xu hướng tính dục) định nghĩa những người “transabled” là Các cá nhân được nhìn nhận bởi xã hội là khỏe mạnh bình thường nhưng lại có khao khát hoặc nhu cầu được tác động vào cơ thể để làm suy nhược chức năng hoạt động của một số cơ quan thể xác nhất định. Những người “transabled” cho rằng thể xác của họ không đúng với những gì não bộ của họ định nghĩa, không thuộc về bản thân họ, nên họ phải tìm mọi cách để khiến nó “rời ra” hoặc “trở nên vô dụng”. Họ được cho là mắc hội chứng Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (viết tắt tiếng anh là BIID, còn được gọi là hội chứng Rối loạn nhận dạng tàn tật), một hội chứng rối loạn tâm lí mà ở đó những cá thể khỏe mạnh cố gắng tự làm hại, làm đau, thậm chí hủy hoại bản thân để được nhận dạng bởi chính mình và xã hội là bị tàn tật.
Câu chuyện của Chloe Jennings-White cũng như những công bố về hội chứng BIID đã gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận. Phần lớn mọi người, đa phần là những người thực sự tàn tật phản đối gay gắt điều này, vì họ cho rằng làm điều lố bịch như vậy không chỉ đi trái với nhiều quy chuẩn xã hội thông thường mà còn là một sự xúc phạm cực kì lớn đối với những người đang phải sống cuộc đời tàn tật mà họ không hề mong muốn.
Ngoài ra “transabled” cũng nhận sự chỉ trích lớn từ cộng đồng LGBT, nhất là người chuyển giới (Transgender) vì họ cho rằng “transabled” đang cố gắng so sánh và bám víu vào họ để vớt vát sự công nhận của xã hội. Một số khác, ít hơn, không đồng tình nhưng cũng chẳng phản đối những người “transabled” vì họ cho rằng đó cũng là một hội chứng, một “bệnh” cần được ghi nhận, nghiên cứu và chữa trị, và người mắc nó hoàn toàn không có đủ tự chủ để hành xử “bình thường”.
Còn bạn thì sao, bạn nghĩ gì về những người khỏe mạnh nhưng lại muốn trở thành người tàn tật?
Comments