Mặc dù thường xuyên bị ghẻ lạnh bởi giới phê bình bởi cốt truyện dập khuân, các chiêu trò jump-scare cũ kỹ nhưng bạn khó có thể phủ nhận, đôi khi những bộ phim này vẫn khiến bạn nổi da gà bởi cách nào đó. “Cách nào đó” ở đây thực chất chính là những mánh khóe nhỏ của các nhà làm phim trong suốt quá trình sản xuất, để khiến bạn cảm nhận nỗi sợ nhanh nhất có thể. Và dưới đây là một số bí mật nhà nghề của giới làm phim kinh dị bị vén màn.
Sử dụng triệt để các vật cản
Trong nhiều bộ phim kinh dị nổi tiếng như Insidious, It Follows hay The Pact, yếu tố vật cản trước ống kính được sử dụng khá nhiều. Thông thường, bằng việc bày nhiều đồ vật trước ống kính máy quay sẽ giúp khung hình trở nên “đầy đặn” hơn, tránh việc tạo ra quá nhiều khoảng trống. Thế nhưng, dưới con mắt nhà nghề các đạo diễn phim kinh dị, việc nhồi nhét nhiều vật cản trước máy quay sẽ tạo cảm giác hồi hộp, bất an cho khán giả. Lúc này, những ai đang ở trước màn hình sẽ khó tránh khỏi cảm giác thấp thỏm, lo âu trước các diễn biến sắp tới.
Sự thay đổi của những hình tượng kinh dị truyền thống
Đã qua rồi cái thời người ta hù nhau bằng những quái vật “kinh điển” như ma cà rồng, người sói hay tên sát nhân điên loạn rình rập nạn nhân trong bóng tối. Hiện tại, chính những gì càng gần gũi với người xem, khiến họ dễ liên hệ với hoàn cảnh của mình mới là thứ đánh thức nỗi sợ trong lòng họ. Đó có thể cánh cửa mở đột ngột, vết nước đáng ngờ trên sàn hay đơn giản như một cái bóng trên gương.
Và rồi, bất thình lình, MỘT CON BÚP BÊ MA QUÁI NHÌN BẠN TỪ SAU LƯNG!!
Chỉ cần nghĩ đến thôi chắc nhiều người đã thấy khó ngủ lắm rồi.
Âm thanh rùng rợn
Đây mới đích thị là vũ khí tối thượng của các nhà làm phim kinh dị khi họ muốn khiến ai đó phải khóc toáng lên trong rạp. Hình ảnh ghê rợn, không khí u ám sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi âm thanh thực sự “ăn rơ” cùng bối cảnh. Các tiếng động ngẫu nhiên, không có nhịp điệu như tiếng kêu động vật, tiếng khóc trẻ sơ sinh hay là âm thanh va đập từ các vật nặng là ba trong số các loại âm thanh luôn góp mặt trong các bộ phim kinh dị, khiến bạn phải giật mình thon thót mỗi khi nó xuất hiện.
Theo một số nhà nghiên cứu, âm thanh ở tần số cao thường khiến con người liên hệ với nguy hiểm và bằng việc khai thác điểm yếu này, những bộ phim như The Shining hay Suspiria trở thành bất hủ.
Hạ âm (âm thanh ở tần số thấp)
Ngược lại với âm thanh ở tần số cao, Hạ âm là tên gọi của dạng âm thanh ở tần số 19 Hz trở xuống. Thực tế, con người không thể nghe được âm thanh này, mà nó được cảm nhận qua các cơ quan khác của có thể. Trong thực tế, hạ âm thường được sản sinh từ các hiện tượng tự nhiên như tiếng gió thổi, động đất, núi lửa phun hay bất cứ cái gì không ổn định. Loại âm thanh nếu lặp đi lặp lại trong thời gian dài với tần suất liên tục thường đem lại cảm giác khó chịu với con người.
Một số bộ phim kinh dị nổi tiếng có sử dụng hạ âm để hù dọa khán giả có thể nhắc đến Ireversible của đạo diễn Gaspar Noe, khiến một bộ phận lớn khán giả bị nôn mửa, choáng váng ngay trong rạp, The Straight Story của đạo diễn David Lynch hay hiện tượng phim kinh phí thấp nổi tiếng một thời là Paranomal Activity cũng dùng âm thanh ở tần số 20 Hz trong phim.
Hình ảnh có thể “thôi miên”
Hiểu lầm thường gặp nhất về thôi miên, đó là những người trải qua việc này bị mất ý thức và làm theo điều mà người thôi miên nói. Thực chất, các hình ảnh kiểu này thường khiến cho người xem cảm thấy khó chịu, thậm chí là gây ra tổn thương nhỏ cho nội tạng. Bộ phim The Exorcist, thực hiện bởi đạo diễn William Friedklin là một trong những ví dụ thành công nhất khi lồng ghép những hình ảnh có tính chất “thôi miên”, đặc biệt trong phân cảnh về Captain Howdy, một trong những con quỷ đang chiếm giữ cơ thể nhân vật chính Reagan mà có thể thấy trong clip trên. Và theo chính lời đạo diễn Friedkin, bạn chắc chắn sẽ “không ngừng nhìn chằm chằm vào nó”.
Quay cận cảnh
Thực tế, các cảnh quay cận cảnh thường được sử dụng trong các phim hài sitcom, nhằm tạo tiếng cười ngay lập tức cho khán giả. Thế nhưng, qua tay các nhà làm phim thích “hù dọa” người khác, khung hình hẹp chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai ngồi trước màn hình không khỏi căng thẳng bởi không biết điều gì sẽ xảy đến với nhân vật chính. Ví dụ như trong bộ phim nổi tiếng The Babadook, có một cảnh quay cậu bé Samuel hét vào thực thể không xác định khi mẹ cậu chạy đến. Bằng việc zoom gần vào khuôn mặt bàng hoàng của nhóc, nỗi sợ đã phần nào đó lây lan đến các khán giả.
Jump Scares
Jump scares hay các cú hù dọa bất ngờ là một con dao hai lưỡi với các bộ phim kinh dị. Nếu được xử lý tốt, các pha hù dọa bất thình lình thế này dễ khiến cho người xem bị xúc động mạnh. Theo lý giải của tiến sĩ Christian Grillon, một chuyên gia tâm lý học ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, khi bạn xem một bộ phim kinh dị, bạn đã trong trạng thái cảnh giác cao độ và đặc biệt nhạy cảm với sự bất ngờ.
Điều này cũng một phần lý giải tại sao các yếu tố này lại đôi khi bị lạm dụng quá đà trong các phim kinh dị hiện tại, đặc biệt trong các phim không quá đề cao cốt truyện. Bởi dù phim có dở đến đâu, chắc chắn bạn vẫn sẽ giật mình khi thấy cái gì đó đột ngột xuất hiện trước màn hình, đúng như dự đoán của đạo diễn. .
Những cử động bất thường
Chiêu bài này chắc chắn đã không còn xa lạ gì với nhiều khán giả trung thành của nhiều tín đồ phim kinh dị. Thế nhưng, ở mặt nào đó, thủ thuật này vẫn khiến không ít người cảm thấy bất an, bởi nó không bình thường, và theo logic phim kinh dị, cái gì không bình thường luôn rất đáng sợ. Ví dụ trong bộ phim kinh dị Mama nổi tiếng của Tây Ban Nha, màn thể hiện của Javier Botet, một diễn viên mắc hội chứng Marfan (khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong cử động) khi đi tập tễnh, cà nhắc khiến không ít khán giả nổi gai ốc mỗi lần nghĩ lại. Hay trong bộ phim kinh điển của Nhật Bản Ju-On, tiếng động và cử động đáng sợ từ con ma trở thành chuẩn mực vàng trong việc tạo dựng nỗi sợ cho khán giả từ những thứ đơn giản như dáng đi.
Hình ảnh phản chiếu trong gương
Bên cạnh các món đồ như búp bê, nhà kho hay bàn cầu cơ, gương cũng là một thứ hết sức đáng sợ trong phim kinh dị. Cho dù ở bất cứ đâu hay thời điểm nào, nhân vật chính sẽ luôn phải chạm trán các con quái vật, những kẻ sát nhân bệnh hoạn ngay khi họ nhìn vào gương. Với phim kinh dị nói chung, gương là một công cụ tuyệt vời để phản ánh thế giới thật cho độc giả và phô bày thế giới nội tâm của nhân vật. Cụ thể, bộ phim Oculus đã sử dụng tấm gương ma quái để dọa các nhân vật chính khi liên tục cho những hình ảnh phản chiếu không có thực khi họ soi gương. Và điều tồi tệ nhất là, họ phải tìm cách xử lý những con quái vật đáng sợ mà mình từng thấy trong gương ngoài đời thực.
Chuyển màu đột ngột
Theo quy tắc làm phim thông thường, các tone màu trong phim thường được giữ cố định nhằm giữ cho phim chân thực nhất có thể. Nhưng với phim kinh dị, điều này hoàn toàn có thể thay đổi. Đạo diễn Julia Ducournau đã sử dụng thủ pháp chuyển màu đột ngột trong bộ phim kinh dị nổi tiếng Raw, kể về một nữ sinh ăn chay dần trở thành sát nhân ăn thịt người một cách rất thành thục. Bằng việc thay đổi các tone màu từ trung tính, đển mạnh mẽ đỏ và hồng sậm, cũng các hình ảnh siêu thực, nhiều người xem đã phải trải qua những giây phút không hề dễ chịu chút nào khi cảm thấy chóng mặt, buồn nôn.
Những cảnh quay có sắp đặt sẵn
Đối lập với sự bất ngờ mà jump scare mang lại, các cảnh quay được sắp đặt sẵn (mise en place) lại khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí là lo lắng mỗi khi có sự xáo trộn nào trong khung hình. Chỉ cần là một chuyển động nhỏ nhất của những đồ vật được bày biện trước mặt, ta ngay lập tức linh cảm được một điều gì tồi tệ sắp xảy đến.
Để thực sự hiểu được công dụng của biện pháp này, bạn chắc chắn không nên bỏ qua hai phần của Insidious của đạo diễn nổi tiếng . Trong đây, người ta không thể biết trước được điều gì sẽ bất ngờ xuất hiện ngay sau một phân đoạn thông thường chấm dứt.
Bóng tối
Người ta thường sợ những gì mà họ không thấy, và đây chính là điểm yếu để các nhà làm phim khai thác. Bằng việc “làm tối” khung hình, các nhà làm phim có thể dễ dàng giấu đi một vài bất ngờ thú vị, hay tạo không gian căng thẳng cho cả người xem và nhân vật trong phim. Kỹ thuật này đặc biệt phổ biến trong các phim kinh dị đời đầu, như Dracula hay một số phim hiện đại như bộ phim The Invitation của đạo diễn Karyn Kusama.
Các phân đoạn dài hơn mức cần thiết
Dù không phải là fan cứng của thể loại phim kinh dị, nhưng chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng tiên liệu cho thời lượng một cảnh phim, như nó sẽ bắt đầu khi nào và kết thúc sau bao lâu. Thế nhưng, nếu như có một cảnh phim nào đó lại “vô tình” hơn tính toán theo bản năng của chúng ta. Ngay khi đó, hẳn người ta sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và không ngừng tự hỏi: Tại sao cảnh này dài thế? Hay còn gì đằng sau đó nữa vậy?
Nắm bắt được tâm lí này của khán giả, việc kéo dài thời lượng cho một số cảnh quay cũng trở thành một trong các mánh tạo nỗi sợ cho người xem. Cụ thể, với bộ phim Twin Peak, đạo diễn David Lynch đã để cho đoạn nhân vật Bob xuất hiện với thời lượng hơn 2 phút, kể từ khi hắn từ từ bước vào khung hình và bất ngờ nhảy vào trước ống kính. Bên cạnh các phim kinh dị, một số phim tâm lý tội phạm giật gân như The Drop hay Prisoners cũng nắm bắt khá tốt kỹ thuật này và thể hiện nó trong phim.
Biên tập âm thanh xuất sắc
Như đã nói phía trên, âm thanh là một công cụ hữu hiệu để khơi gợi nỗi sợ trong mỗi người xem. Nhưng, tất cả sẽ đều chỉ là công cốc nếu thiếu đi những bộ óc tài hoa trong việc chơi đùa với âm thanh và trí óc con người. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất, khiến khung cảnh tên sát nhân Norman Bates đâm chết nạn nhân của mình dưới vòi hoa sen trong bộ phim Psycho trở thành chuẩn mực của các phim kinh dị. Bắt đầu từ những tiếng động chói tai, dần dần, âm thanh trở nên to hơn, đứt đoạn nhiều hơn, và thậm chí, có nhiều khoảng câm giữa các phân cảnh. Người xem như bị bao trùm bởi các tiếng vang lớn, tiếng nhạc déo dắt và đến cuối, “mất hồn” khi nghe đến tiếng thét của Marion.
Chờ… đợi
Chờ đợi thật khủng khiếp, đặc biệt là trong một bộ phim kinh dị. Bạn biết sẽ có một cái gì đó xảy ra sau đó, nhưng cứ phải chờ trong thấp thỏm, lo âu để biết được chúng thực sự là gì. Như trong phim 2, đoạn một trong hai đứa trẻ quyết định đi kiểm tra tiếng động lạ phát ra từ căn lều bên cạnh. Cùng với nhân vật chính, người xem cũng không khỏi hồi hộp, căng thẳng trước khi kẻ phản diện thực sự lộ diện. Không chỉ The Conjuring, rất nhiều phim kinh dị khác cũng sử dụng kỹ thuật này để kéo dài các khoảng lặng trước khi điều kinh hoàng thực sự bắt đầu, và ở nhiều mặt, nó đã thành công khi biến trải nghiệm phim kinh dị trở nên kinh hoàng nhất có thể với nhiều khán giả.
Comments