Một con zombie bò lổm ngổm qua những lùm cây, đến một bãi đất thích hợp, nó yên vị ở đó. Từ trên đầu nó mọc ra một cái chồi. Cái chồi rồi sẽ tạo ra những bào tử bay đi khắp mọi nơi, khiến cho những thứ nó chạm vào cũng hóa thành zombie.
Đây không phải chuyện hư cấu mà hoàn toàn có thật. Song zombie ở đây không phải con người, mà là một loài kiến. Và thứ “chồi” kia chính là một kiểu nấm. Những bào tử phát tán từ đó có thể khiến cho những con kiến khác trở thành zombie như nó, và vòng đời của zombie lại được bắt đầu.
Để loài nấm này có thể sinh sôi nảy nở, nó cần phải bám được vào não của một con kiến. Đây không phải là thứ gì đó quá lạ lẫm trong thế giới tự nhiên. Trên thực tế, các zombie này không chỉ xuất hiện ở loài kiến mà còn có thể có ở nhện, gián, cá, dế, và thậm chí cả ở chuột – với nhiều hình thức ký sinh khác nhau.
Đôi khi, những loài ký sinh zombie này – có thể là nấm, sâu bọ hoặc một loài sinh vật vô cùng bé nhỏ – sẽ giết hoặc ăn cả vật chủ. Nhưng cái chết không phải là thứ đáng sợ nhất. Một số loài ký sinh sẽ khiến cho vật chủ chết ở một địa điểm nào đó, hoặc bị ăn bởi một sinh vật nào đó. Để làm được điều này, chúng phải chiếm được quyền điều khiển vật chủ – tức là phải xâm nhập được vào não của con vật xấu số kia.
Giun bờm ngựa chỉ có thể phát triển khi ở dưới nước. Để làm điều này, nó sẽ buộc vật chủ xuống nước – tức là con vật sẽ… “tự nguyện hy sinh” bằng cách… nhảy hồ.
Toxoplasma gondii lại là một sinh vật đơn bào, chỉ có thể sinh sống trong cơ thể của mèo. Nhưng trước đó, nó phải tồn tại ở một loài khác, và thế là chúng chọn chuột. Chúng khiến cho chuột trở thành “fan cuồng” của mèo, “thích thú” với “sản phẩm cuối” của các hoàng thượng hơn. Và các boss sẽ dễ dàng thấy chúng và ăn chúng hơn…
Một số loài tò vò có những cách lợi dụng vật chủ “đỉnh cao hơn”: Nó chỉ làm tổ trên loài nhện orb-weaving. Khi làm tổ xong, chúng sẽ hút máu từ những con nhện này. Con nhện sẽ tiếp tục sống cho đến khi đan lưới xong – nhưng không phải là đan chiếc lưới của nó, mà là đan cho cái tổ của tò vò. Thậm chí, nó còn có thể tự phá chiếc mạng nhện của mình và “toàn tâm toàn ý” tạo kén cho con của tò vò nữa.
Một loài sâu khác lại ký sinh trong não cá. Con cá bị ký sinh sẽ bơi lội, ăn uống và quây quần cùng với những đồng đội khác trong bầy – như một con cá bình thường. Thế nhưng, đôi lúc nó sẽ có xu hướng bơi chúc đầu xuống dưới, xoay tròn đều, hay cọ cọ mình vào những hòn đá. Tất cả những điều này đều khiến cho nó trở nên “nổi bật” hơn và trở thành con mồi cho những kẻ thù của mình.
Vậy làm thế nào để những loài ký sinh trùng này khiến vật chủ thành những Walking-almost-dead (xác-gần-sống)? Tùy thuộc vào từng loài sẽ có những cách khác nhau, mà hầu hết là tiết ra một loại chất hóa học có khả năng làm rối loạn thần kinh của vật chủ. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng nghiên cứu và tìm ra loại chất hóa học này cũng như cách nó làm được điều kinh dị ấy.
Nhưng vấn đề là, chỉ với loại chất hóa học ấy thì làm sao một loài ký sinh trùng không não, không ý thức như nấm và một số loài sâu, sinh vật đơn bào có thể kiểm soát được hành vi của những loài vật có tổ chức cao hơn? Đó cũng chính là điều khiến cho giới khoa học đau đầu đi tìm kiếm lời giải đáp.
Comments