1. Người sáng lập của Wendy’s, Dave Thomas, đã lo lắng rằng bọn trẻ có thể lấy thành công của ông làm cái cớ để bỏ học cấp ba. Vì vậy, ông đã quay trở lại trường học sau hàng thập kỉ để thi GED, một chứng chỉ tương đương với bằng tốt nghiệp trung học.
Chuỗi cửa hàng burger Wendy’s lần đầu tiên xuất hiện tại Ohio vào năm 1959. Thomas, người sáng lập nên Wendy’s đã từng làm việc với Đại tá Sanders của KFC khoảng một năm trước khi bắt đầu với Wendy’s. Chính những kinh nghiệm vô giá đó đã giúp Thomas rất nhiều trong việc điều hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của riêng mình. Dave Thomas được Rex và Auleva Thomas nhận nuôi khi ông mới sáu tuần tuổi. Mẹ nuôi của ông qua đời khi ông mới lên năm còn bố nuôi thì dành hầu hết thời gian để đi du lịch, vì vậy tuổi thơ của ông phần lớn là ở với bà, bà Minnie Sinclair. Trong khoảng thời gian thơ ấu này, Thomas đã học từ bà mình rất nhiều bài học quý giá giúp ông thành công trong việc kinh doanh sau này.
Ở tuổi 15, Thomas quyết định nghỉ học để làm việc toàn thời gian tại một nhà hàng. Lúc đó, Thomas cũng quyết định sẽ ở lại Fort Wayne, Indiana mà không chuyển đi theo bố mình. Nhưng sau này ông chủ Wendy’s cho biết đây chính là sai lầm lớn nhất cuộc đời ông. Vào năm 1993, khi ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt, ông biết mình không muốn trở thành một hình mẫu truyền tải thông điệp: tốt nghiệp cấp ba hay không không quan trọng. Vì vậy, ông đã đến trường và tham gia thi chứng chỉ GED. Khi Thomas trở lại trường Coconut Creek để lấy chứng chỉ GED, ông đã 59 tuổi.
2. Ingvar Kamprad, nhà sáng lập của IKEA là một người tiết kiệm. Ông lái một chiếc xe đời cũ, chiếc Volvo 240 đời 1993. Khi ăn tối ở ngoài, ông thường giữ lại những bịch tiêu và muối. Ở nhà, ông sẽ tái sử dụng các túi trà. Và khi qua đời, tài sản của ông trị giá 58 tỉ USD.
Tiết kiệm và đơn giản là những phương châm sống mà nhà sáng lập IKEA theo đuổi trong đời mình. Cho dù là một người kín tiếng, ông vẫn viết một bản tuyên ngôn về các triết lí của mình với tiêu đề “Di chúc của một nhà buôn bán nội thất” vào năm 1976. Trong cuốn sách, ông có đề cập đến sự tiết kiệm của mình “Chúng tôi tránh các khách sạn hạng sang không chỉ vì lí do giá cả. Chúng tôi không cần những chiếc xe hào nhoáng, những dòng tít ấn tượng, đồng phục hay những thứ tương tự. Chúng tôi dựa vào chính sức mạnh và ý chí của mình!”
Trong một lần phỏng vấn với Đài truyền hình Thụy Sĩ, TSR, Kamprad cho biết ông luôn bay ở hạng ghế phổ thông và lái một chiếc Volvo 204 đời 1993. Ông cũng kể rằng thường tái sử dụng lại các túi trà, giữ lại những bịch muối và tiêu ở nhà hàng, và yêu cầu các nhân viên của IKEA sử dụng hai mặt của tờ giấy. Ông còn được biết đến là người thường mua những giấy gói và quà Giáng sinh vào đợt sale sau Giáng Sinh. IKEA nổi tiếng với những quan tâm về vấn đề quản lí chi phí. Chính điều này đã cho phép công ty sản xuất với giá thấp hơn từ 2-3%, mang lại lợi ích cho khách hàng của mình.
3. Nhà sáng lập của Aldi, Theo Albrecht, đã bị bắt cóc và giam giữ trong 17 ngày. Chính ông là người trực tiếp thương lượng tiền chuộc của mình. Sau đó, ông còn được giảm thuế cho khoản tiền này khi tuyên bố đó là một khoản phí dành cho mục đích kinh doanh.
Theo Albrecht và anh trai mình Karl đã cùng nhau biến cửa hàng nhỏ nơi góc đường của mẹ thành Đế chế Aldi sở hữu hơn 8000 cửa hàng trên thế giới. Năm 2010, giá trị ròng của họ đạt tới 40 tỷ USD. Là những người sống kín tiếng, cặp anh em người Đức hầu như không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Điều này càng khiến mọi người tò mò hơn về cuộc sống của họ. Đặc biệt vào năm 1997, khi Theo bị bắt cóc, sự bảo mật này trở nên chặt chẽ hơn rất nhiều.
Theo bị bắt cóc trên đường đi làm về bởi hai người đàn ông: một tên trộm bị kết án và một luật sư với những khoản nợ chồng chất. Sau khi bắt cóc ông, chúng đòi xem thẻ căn cước vì quần áo Theo đang mặc trên người không hề thể hiện được sự giàu có và thành công của ông. Theo đã tự thương lượng khoản tiền chuộc và được thả sau 17 ngày giam giữ. Ông đã trả 2,2 triệu USD (51 tỉ đồng) cho bọn bắt cóc. Sau đó, ông liệt khoản tiền này vào danh sách các chi phí kinh doanh và đã được miễn thuế. Từ đó, Theo không bao giờ nói chuyện với giới truyền thông cũng như luôn đảm bảo rằng mình không bị chụp ảnh.
4. PayPal Mafia: Nhóm các nhà thành lập và nhân viên của PayPal sau này đều trở nên rất thành công và là nhà sáng lập của hàng loạt các công ty công nghệ như Tesla, Youtube, Space X, Linkedin, Yelp, và Founders Fund.
“X.com” là tên gọi của PayPal trước đây khi nó chỉ là một dịch vụ chuyển tiền được cung cấp bởi công ty Confinity. Năm 2002, eBay mua lại PayPal. Lúc này, những người sáng lập ban đầu của PayPal cảm thấy khó có thể điều chỉnh và hòa nhập được với eBay. Chỉ trong khoảng thời gian 4 năm, 50 nhân viên và nhà sáng lập ban đầu của PayPal đã nghỉ việc. Họ vẫn giữ liên lạc với nhau, và vài người trong số họ hợp tác xây dựng các công ty và trở thành các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ. Chính vì những sự thành công vượt bậc này, người ta gọi họ là “PayPal Mafia”.
Peter Thiel, nhà đồng sáng lập của PayPal, sau này đã tạo nên Founders Fund. Elon Musk, người thành lập X.com cũng thành công vang dội khi sở hữu các công ty như Tesla Motors, Space X, The Boring Company… Roelof Botha từng là Giám đốc Tài chính của Paypal trước khi phát triển Sequoia Capital. Steven Chein, nhà đồng sáng lập Youtube trước đây là một kĩ sư tại PayPal. Phó chủ tịch điều hành của PayPal, Reid Hoffman cũng chính là người sáng lập LinkedIn. Ông còn là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Facebook, Flickr và Zynga. Một kĩ sư khác của PayPal, Russel Simons, sau này là người sở hữu Yelp. Rất nhiều những cựu nhân viên khác của PayPal cũng đã bắt đầu các dự án kinh doanh tuyệt vời và hầu hết trong số họ đều trở thành tỷ phú.
5. Để không phải trả 700 triệu USD tiền thuế, nhà đồng sáng lập của Facebook, Eduardo Saverin đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình.
Tháng 9 năm 2011, một trong những nhà đồng sáng lập của Facebook, Eduardo Saverin đã từ bỏ quốc tịch của mình. Có nhiều tranh cãi xảy ra khi người ta cho rằng anh làm vậy để không phải trả 700 triệu USD tiền thuế. Nhưng Saverin đã phủ nhận lời cáo buộc này và cho biết anh từ bỏ quốc tịch Hoa Kì chỉ vì “thích làm việc và sinh sống tại Singapore.”
Saverin gặp Mark Zuckerberg tại Harvard khi anh đang là sinh viên năm 3 còn Mark đang theo học năm 2. Mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Eduardo Saverin đã trở nên căng thẳng từ khi họ kéo nhau ra tòa vào năm 2012. Saverin cáo buộc rằng Zuckerberg đã sử dụng tiền của Facebook vào “các khoản chi cá nhân trong suốt mùa hè”, còn Facebook kiện Saverin về những thỏa thuận mua cổ phiếu không hợp lệ. Những vụ kiện này đã được hòa giải ngoài tòa án.
6. Có thông tin cho rằng nhà sáng lập và CEO của Uber, Travis Kalanick đứng hạng hai trong bảng xếp hạng người chơi giỏi nhất của Wii Tennis.
Travis Kalanick, nhà sáng lập, CEO của Uber đã bị lôi vào cuộc tranh luận về việc ông chính là người giữ hạng hai trong bảng xếp hạng những người chơi Wii Tennis giỏi nhất trên thế giới. Trước đây, trên trang web của Uber một đoạn tiểu sử ngắn của ông có viết “…cố gắng để đạt được số điểm cao thứ hai thế giới trong Wii Tennis. 1 game, 1 set, 1 trận đấu.” Cuộc tranh luận nổ ra khi Chris Sacca, người sáng lập Lowercase Capital, đồng thời cũng là nhà đầu tư của Uber kể về việc bố của anh ấy bị Kalanick đánh bại trong trận đấu như thế nào và về việc Kalanick đang giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng toàn cầu của Wii Tennis ra sao.
Kyle Orland của tờ Ars Technica, người đã viết cuốn sách về Wii cho rằng không có bảng xếp hạng trực tuyến trong Wii Sports. Cái mà mọi người gọi là “Wii Tennis” có thể chính là “Grand Slam Tennis”, một trò chơi có bảng xếp hạng trực tuyến. Ars Technica cho biết “Wii Tennis” là một phần của “Wii Sports” và có một bảng xếp hạng offline nơi mà điểm số của người chơi sẽ được so sánh với các đối thủ AI, những đối thủ không có thật. Vì vậy, để được xếp hạng hai, Kalanick phải đạt được 2399 trên 2400 điểm, và điều này là cực kì khó.
7. Những nhà sáng lập của thương hiệu kem nổi tiếng Ben & Jerry’s đã tham gia một khóa học làm kem trị giá 5 USD. Một trong hai người không thể vào trường y và người còn lại không bán đủ đồ gốm để trang trải cho cuộc sống.
Ben và Jerry gặp nhau ở một phong gym khi họ học lớp 7. Hai người họ là hai người chậm nhất trong lớp học. Từ đó, họ trở thành bạn của nhau. Jerry không thi đậu vào trường y còn Ben đã bỏ học đại học để theo đuổi nghề làm gốm nhưng không thành công. Sau đó họ quyết định hợp tác để kinh doanh và biết chắc rằng lĩnh vực mà họ muốn hướng đến chính là thực phẩm. Với số vốn chỉ vỏn vẹn 8000 USD (hơn 185 triệu đồng), hai người thu hẹp mặt hàng lại chỉ còn bánh mì tròn hoặc kem. Và họ chọn kem vì ngân sách của họ là không đủ để kinh doanh bánh mì tròn.
Vậy Ben và Jerry đã học làm kem như thế nào? Câu trả lời là từ một cuốn sách Ice Cream của Wendall S. Arbuckle và một khóa học trị giá 5 USD (hơn 100 nghìn đồng) ở Đại học bang Pennsylvania. Hai người còn mua thêm những quyển sách hướng dẫn chỉ với vài xu để hiểu thêm về quá trình làm kem. Họ làm việc cả tuần và đôi khi còn ngủ trên tủ đông công nghiệp của mình. Cửa hàng đầu tiên của Ben & Jerry’s là một trạm xăng được cải tạo ở Burlington, Vermont. Sự nỗ lực của họ đã được đền đáp và giờ đây Ben & Jerry’s đã trở thành một doanh nghiệp trị giá 300 triệu USD (hơn 6 nghìn tỉ đồng).
8. Walt Disney, người tạo ra Disney và Ray Kroc, người mua lại, phổ biến và “sáng lập” của McDonald’s quen nhau vì cùng phục vụ trong cùng một đơn vị cứu thương ở Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Ray Kroc đã mua lại McDonald’s từ hai anh em Richard James và Maurice James McDonald. Hai anh em nhà McDonald là người sáng lập ra chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh với cửa hàng đầu tiên tại San Bernardino, California nhưng Kroc mới chính là người đã mở rộng chuỗi cửa hàng này trên toàn quốc và sau đó là toàn thế giới.
Kroc có tầm nhìn tốt hơn về việc phát triển nhà hàng và sau khi McDonald’s thành công, ông bắt đầu tự gọi mình là “nhà sáng lập”.
Ray Kroc đã từng được đào tạo lái xe cứu thương ở South Beach, Connecticut để phục vụ cho đơn vị cứu thương trong Thế chiến thứ nhất. Cùng đợt đào tạo với Kroc còn có một cậu bé tên Walter Elias, chính là Walt Disney, người sáng lập Disney sau này. Hai người đều nói dối về tuổi của họ để được vào đơn vị cứu thương (độ tuổi tối thiểu để nhập ngũ là 17 và Disney lúc đó 16 còn Kroc chỉ mới 15). Thời đó, Kroc thường thấy Walter ngồi vẽ vào thời gian rảnh. Kroc gọi Disney là “Diz” và “con vịt kì lạ… bất cứ khi nào chúng tôi vào phố và theo đuổi những cô gái, anh ấy sẽ ở lại trong trại và vẽ tranh.” Lúc đó, không ai trong hai cậu nhóc biết được điều gì đang chờ đón họ và cũng sẽ không biết được họ sẽ đạt được thành công vang dội thế nào trong tương lai.
9. Gary Kremen đã sáng lập Match.com, cũng chính là nơi bạn gái Gary tìm thấy tình yêu mới.
Với mục đích tạo ra một trang hẹn hò trực tuyến, Gary Kremen đã sáng lập nên Match.com vào năm 1993. Ông đã nhấn mạnh rằng khi thiết kế trang web này, Gary luôn nghĩ cho phái nữ. Kremen có lần nói rằng:
“Bạn phải thiết kế hệ thống này cho phụ nữ, không phải cho đàn ông. Ai mà quan tâm đàn ông nghĩ gì chứ? Vì vậy những thứ như bảo mật và ẩn danh là vô cùng quan trọng. Mấy việc nhỏ hơn cũng quan trọng không kém, như là bạn nên nói về hình dáng cơ thể thay vì số kg. Đừng bao giờ hỏi một người phụ nữ về cân nặng của cô ấy.”
Ý tưởng này chắc chắn đã thành công khi ngay cả bạn gái của Kermen cũng bỏ ông để đến bên người đàn ông cô ấy làm quen trên trang web này. Giai thoại này luôn được nhắc đến mỗi khi người ta nói về hẹn hò qua mạng. Từ năm 1993, Kermen đã trở thành một nhà đầu tư xuất sắc khi đầu tư vào hơn 100 công ty.
10. Tài sản của nhà đồng sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales chỉ vỏn vẹn khoảng 1 triệu USD.
Wikipedia là một trang bách khoa toàn thư trực tuyến, là một nơi “tổng hợp mọi thông tin” ở thế giới ảo nhưng lại không phải là một doanh nghiệp thương mại. Jimmy Wales hay còn được biết đến với tên gọi “Jimbo”, nhà sáng lập của Wikipedia chính là người muốn duy trì đứa con của mình như thế. Năm 2014, giá trị tài sản ròng của ông chỉ vỏn vẹn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng). Con số này khiến nhiều người bất ngờ bởi vì nó là quá ít so với độ thành công và nổi tiếng của Wikipedia.
Jimmy Wales là một thành viên trong Hội đồng quản trị của Wikimedia Foundation. Ông cũng có tên trong Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn vào năm 2006. Khi được hỏi về việc mọi người đang bàn tán rất nhiều đến vấn đề ông không phải là một tỷ phú, Wales nói “Đó đúng là sự thật, tôi không phải là một tỷ phú. Vậy thì sao? Bạn cũng không phải và rất nhiều người khác cũng không. Vì vậy thật ngớ ngẩn khi cứ nói mãi về điều đó.”
Comments