Thứ 6 ngày 24 tháng 4, một bác sĩ kiêm chủ kênh YouTube người Thái Lan có tài khoản Facebook là @MTlikesara đưa tin rằng người Việt Nam giết thịt và nấu cao mèo đen để làm thuốc chữa virus Corona. Tin tức này khiến cộng đồng người Việt trên Facebook phẫn nộ, buộc chủ tài khoản phải sửa bài và bỏ chữ “Việt Nam” ra khỏi nội dung đã đăng.
Thậm chí, nhiều tài khoản người Việt báo cáo xấu khiến chủ tài khoản @MTlikesara phải xóa bài viết nói trên (ảnh dưới).
Nguồn tin do tài khoản @MTlikesara trích dẫn được đăng trên nhiều báo Anh Quốc và Mỹ như Metro và NYPost tiêu đề: “Mèo đen bị biến thành pa-tê và được bán dưới dạng thuốc chữa Coronavirus tại Việt Nam“.
Theo như Metro và NYPost viết, nguồn tin được cung cấp bởi tổ chức bảo vệ động vật No To Dog Meat và báo South West News Service của Anh. Mặc dù vậy, không thể tìm ra bài viết, thông tin hoặc hình ảnh nào trên liên quan đến mèo đen ở Việt Nam trên website của các cơ quan ngôn luận này (trang notodogmeat.blog và swns.com).
Trong khi đó, fanpage chính thức của No To Dog Meat lại dẫn nguồn báo Dailystar dẫn đến tranh cãi dữ dội ở phần bình luận. Bởi vì trên thực tế Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ tình trạng tin giả liên quan đến Covid-19 và bất kỳ thông tin sai sự thật nào có thể bị phạt tiền rất nặng, thậm chí phạt tù.
Có thể thấy, những thông tin nói trên đang gây ra nhầm lẫn tai hại về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Tuy nhiên, với những hình ảnh được ghi nhận và dựa trên một số thao tác tìm kiếm, chúng ta có thể xác minh được tình trạng giết thịt mèo đen vì niềm tin dị đoan vẫn đang tồn tại ở Việt Nam trong một số bộ phận người dân thiếu hiểu biết. Điều này tạo cơ sở để các tin giả có dịp phát tán khiến hình ảnh Việt Nam trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Ví dụ, một tài khoản của người Việt Nam rao bán “cao mèo đen” trên Facebook, chúng ta có thể truy ra nhiều bài viết tương tự như thế này:
Sự việc này cho thấy cơ quan chức năng cần tiếp tục có biện pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp buôn bán sản phẩm chưa qua kiểm định, đánh giá chất lượng và hiệu quả trong y học, tránh gây hoang mang trong dư luận và tạo điều kiện cho tin giả phát sinh.
Comments