Mới đây, Bệnh nhân 91 dương tính với Covid-19 là một nam phi công quốc tịch Anh, trú tại Quận 2, Tp. HCM có lui tới quán bar Buddha Bar & Grill ở Thảo Điền, dẫn đến tình trạng lây nhiễm cho nhiều người khác khiến chính quyền phải có biện pháp phong tỏa khu vực.
Lúc này, cộng đồng mạng có dịp bàn luận sôi nổi, không chỉ vì tính chất nhạy cảm của vụ việc trong thời điểm dịch bệnh hoành hành mà còn vì cái tên gây tranh cãi của quán bar nói trên.
“Buddha” trong tiếng Phạn có nghĩa là “thức tỉnh” và “giác ngộ” – cũng là danh xưng của Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Phật Thích Ca) cùng các bậc đại trí khác đã đạt được giác ngộ cao nhất của Phật giáo. Như vậy, không rõ dựa trên cơ sở nào mà lại có thể lấy danh xưng của Đức Phật – một lãnh tụ tôn giáo vốn sống chay tịnh để đặt tên cho nơi bán rượu bán thịt?
Điều đáng nói là, tình trạng chuỗi nhà hàng và quán rượu lấy tên của Đức Phật đã xuất hiện cách đây khá lâu trên thế giới, thậm chí còn trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng. Thương hiệu Buddha Bar vốn đã xuất hiện từ năm 1996 tại Pháp do một đầu bếp Raymond Visan và DJ Claude Challe thành lập, sau đó phát triển ở nhiều nơi khác như Anh, Hy Lạp, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Dubai, Ukraina, Monaco, Phillipines…
Buddha Bar của Raymon Visan cũng đã nhiều lần bị tín đồ Phật giáo quốc tế phản đối khi tên Đức Phật bị gán ghép một cách phản cảm như vậy, thế nhưng thương hiệu này vẫn phát triển mạnh mẽ. Duy chỉ có ở Châu Á, đơn cử như tại Phillipines là phong trào bài xích có kết quả, cuối cùng Buddha Bar Manila phải đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2010.
Đặc điểm của Buddha Bar là có phục vụ các món Châu Á, với không gian đầy màu sắc có các tông màu ấm nóng chủ đạo đậm chất Đông phương. Hình tượng Phật gồm một pho tượng lớn ở trung tâm, tranh ảnh cách điệu và tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ được sử dụng để tạo nên một thể thống nhất thể hiện lối kiến trúc của đền chùa Châu Á.
Một điểm nhấn khác của Buddha Bar chính là âm nhạc, album tổng hợp của Buddha Bar đã được phát hành từ năm 1999. Năm 2001, một nhà phê bình của Tạp chí Billboard công nhận Buddha Bar Compilation Album vào danh sách “mười sự kiện âm nhạc hàng đầu” trong năm, khẳng định rằng “Buddha Bar không chỉ là một nhà hàng tốt ở Pháp mà còn là một trong những nơi mang lại trải nghiệm âm nhạc tốt nhất vượt ra ngoài biên giới Pháp trong vài năm qua“.
Buddha Bar cũng đã phát hành một số bản nhạc gốc cho các album của mình, cụ thể là các bài hát “Buddha Bar Nature” và “Buddha-Bar Ocean“, được sáng tác và sản xuất bởi nhà soạn nhạc Arno Elias. Bản phát hành này bao gồm một đĩa DVD về thiên nhiên và cảnh quay đại dương do Allain Bougrain-Dubourg đạo diễn.
Quay trở lại vụ việc ở Việt Nam, Buddha Bar & Grill đã có mặt từ năm 2005 và chỉ là một quán bar có phong cách tương đồng chứ không phải là nhượng quyền thương hiệu từ Buddha Bar tại Pháp. Suốt nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM đã không ít lần lên tiếng phản đối đến cơ quan chức năng và chủ cơ sở kinh doanh quán bar nói trên. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Báo Giác Ngộ Online do Hòa thượng Thích Trí Quảng chủ biên từng có lời chua xót rằng những gì mà Buddha Bar ở Thảo Điền thể hiện đã “làm tổn thương niềm tin tôn giáo của Phật tử“. Được biết, các hình ảnh tôn nghiêm mang tính biểu tượng của Phật giáo như tượng đầu Phật, poster in hình Bồ Tát thậm chí từng được đặt cùng chỗ với rượu bia, thuốc lá và dán trong nhà vệ sinh…
Ngoài việc bán thức uống có cồn, đồ ăn mặn, Buddha Bar & Grill còn tổ chức những buổi xem thể thao, đánh billiard, nhạc sống… vốn là những hoạt động mang tính chất không phù hợp với hình tượng thanh tịnh, thiền định của Đức Phật, khiến các tín đồ Phật giáo vô cùng bất mãn.
Bên trong Buddha Bar (ảnh do khách hàng chia sẻ trên trang web Foody).
Sau khi quán bar Buddha bị phong tỏa từ ngày 19 tháng 3 vừa qua do trở thành địa điểm lây lan mầm bệnh Covid-19 (bệnh nhân 91 và bệnh nhân 97 và một số ca nghi vấn khác đã có mặt tại đây), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM cũng đã một lần nữa lên tiếng kêu gọi quán bar Buddha thay đổi tên quán, ngưng sử dụng hình tượng Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí một cách phản cảm vì mục đích kinh doanh.
Ý kiến của cộng đồng mạng gần xa cũng cho rằng Buddha Bar & Grill cần phải thay đổi, chấm dứt việc lạm dùng hình tượng và danh xưng của lãnh tụ tôn giáo, xúc phạm đến tín ngưỡng của cộng đồng tăng ni Phật tử.
Comments