Emma Watson, vốn được biết đến với vai trò là nữ diễn viên và nhà hoạt động xã hội, nay chính thức được bổ nhiệm vào ban quản trị của tập đoàn đa quốc gia Kering – đơn vị chủ quản của các thương hiệu lớn như Gucci, Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen, Ulysse Nardin… nhờ vào kinh nghiệm và kiến thức vượt trội về thời trang.
Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) là một phong trào, một hướng đi chiến lược dài hạn mà các doanh nghiệp thời trang cần liên tục học hỏi và làm theo, để quá trình sản xuất, phân phối các sản phẩm có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, Trái Đất và cư dân toàn cầu.
Nữ diễn viên 30 tuổi nổi tiếng với vai diễn Hermione Granger trong Harry Potter, cô tham gia các hoạt động vì nữ quyền, cũng như thể hiện sự am hiểu đối với thời trang bền vững trong nhiều năm qua. Không chỉ trở thành một thành viên của ban quản trị tập đoàn thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới, Emma Watson còn được chọn làm chủ tịch của ủy ban phát triển thời trang bền vững của Kering.
Trong những năm gần đây, nhiều nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm của họ đối với sự thay đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tác động của quá trình sản xuất đối với hiện tượng này. Gucci – một trong những thương hiệu được Kering sở hữu đã đi đầu trong phong trào này, nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến vấn đề sản xuất – tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu gặp phải biến động lớn.
Giám đốc sáng tạo của Gucci là Alessandro Michele từng phát biểu rằng họ sẽ xóa bỏ sự khác biệt trong thời trang nam và nữ, đồng thời cũng giảm số lần tổ chức sự kiện thời trang trong năm từ 5 xuống 2 lần, nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí.
Năm ngoái, Kering cũng cho biết họ sẽ tiến đến giảm xả thải khí Carbon bằng cách cải thiện bộ máy sản xuất xuyên suốt các chuỗi nhà máy trên toàn cầu.
Rõ ràng, quan điểm, tư tưởng và tài năng của Emma Watson phù hợp với hướng đi của Kering và các thương hiệu thuộc quyền, vì vậy nữ diễn viên có nhiều điểm cộng trong mắt của ban lãnh đạo tập đoàn này.
Tuy nhiên, sự góp mặt của Emma Watson trong nhóm quản lý thượng tầng của Kering được chuyên gia trong ngành đánh giá rằng chỉ là bề nổi và để tạo nên hiệu ứng truyền thông là chính.
Orsola de Castro – nhà đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo của tổ chức phi lợi nhuận Fashion Evolution, một trong những người đi đầu trong lĩnh vực thời trang bền vững trên thế giới nhận xét về Emma:
Cô ấy đã cống hiến cho thời trang bền vững, nhưng chắc chắn không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhìn chung, vai trò của những người nổi tiếng ở đây có xu hướng khuấy động truyền thông và những nỗ lực marketing nhiều hơn là tạo ra thay đổi thực sự cần thiết.
Ít nhất thì lời nhận xét trên cũng chỉ cho chúng ta thấy được vai trò của Emma Watson trong thời gian sắp tới sẽ nghiêng nhiều hơn về việc gây sức ảnh hưởng và tuyên truyền cho lý tưởng đúng đắn về thời trang bền vững của Kering.
Cùng với Emm Watson, cũng có hai nhân sự khác được bổ nhiệm vào ban điều hành của Kering bao gồm Jean Liu (42 tuổi) – chủ tịch của công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển lớn nhất Trung Quốc là Didi Chuxing, kế đến là Tidjane Thiam – CEO của Credit Suisse, một ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Comments