Bạn có tin vào một thực tế như phim Black Mirror không? Mặc dù một thế giới như vậy chỉ là sản phẩm của những đầu óc sáng tạo, nhưng thật ra chúng ta không xa một thế giới như Black Mirror đến vậy đâu. Những bước tiến về công nghệ đã cho phép con người thực hiện được những việc mà chúng ta nghĩ là gần như không thể.
1. Xe tự động
Trong tập phim Crocodile, chúng ta đã thấy một chiếc xe giao pizza hoàn toàn tự động đâm vào một người đi đường, tạo ra một chuỗi những sự kiện phức tạp.
Đó không hẳn là một điều viển vông đâu. Pizza Hut, một công ty pizza nổi tiếng đã tuyên bố sẽ hợp tác với Toyota để tạo ra chiếc xe pizza tự động đầu tiên của mình. Ngoài ra, Toyota cũng đã từng công bố chiếc xe hoàn toàn tự động đầu tiên của mình, e-Palette. Chiếc xe có thể điều chỉnh được tùy theo nhu cầu của người sử dụng: Đưa đón, giao đồ ăn,…Toyota cũng đã hợp tác với Uber và Amazon để làm cho dự án này thành hiện thực sớm hơn.
Ngoài Pizza Hut ra, vào năm 2017, Dominos và Ford cũng đã cho thử những mẫu xe giao hàng tự động. Một loạt các camera, cảm biến, và LiDAR (Light Detection And Ranging – Phương pháp đo khoảng cách bằng ánh sáng) đã được lắp vào xe để giúp nó định hướng.
2. Tái tạo thông tin của người đã khuất
Trong tập phim Be Right Back, một người phụ nữ đau buồn đã cố gắng xây dựng lại hình ảnh của người bạn trai đã khuất thông qua một cơ thể nhân tạo và tải lên đó toàn bộ cuộc sống của anh để hình nhân đó có thể cư xử giống anh hơn.
Điều này nghe cực kì kinh dị, thật sự rất kinh dị. Nhưng vào năm 2016, một người phụ nữ tên Eugenia Kuyda đã sử dụng thông tin trên mạng xã hội cũng như lịch sử chat của một người bạn quá cố và tải chúng lên một bot trò chuyện được điều khiển bởi AI. Với hơn 8,000 tin nhắn và sự học hỏi của AI, bot trò chuyện học tập những cách thức nói chuyện của người bạn và đã có thể đưa ra những câu trả lời rất tự nhiên. Và điều đó rất đáng sợ.
Công ty Hanson Robotics cũng đã từng tạo ra một robot với khả năng tương tác và nói chuyện một cách tự nhiên như con người. Con robot được đặt tên là BINA48 và được xây dựng theo hình mẫu của Bina Aspen. Aspen là người vợ quá cố của nhà khởi nghiệp Martine Rothblatt. Trong những câu lệnh của BINA48 là toàn bộ kí ức, đạo lý, cảm xúc của Aspen. BINA48 thậm chí đã có thể hoàn thành một khóa học và nhận một bằng đại học chuyên ngành triết học.
3. Chó robot
Trong tập phim Metalhead, chúng ta thấy cận cảnh ngày tận thế, khi mà những con chó robot săn lùng và sát hại toàn bộ loài người. Tập phim này chủ yếu theo dõi cuộc đấu tranh của một người phụ nữ để chống lại việc này, nhưng cô cũng đã thất bại.
Ngày nay, có thể không ai để ý nhưng chúng ta đang dần phụ thuộc quá nhiều vào các loại robot. Các công ty lớn đang dần thay thế nhân công bằng robot để đạt hiệu suất tối đa, robot cũng xuất hiện trong những căn nhà với vai trò dọn dẹp, làm việc vặt, ngay cả các chuỗi đồ ăn lớn cũng đang thử nghiệm giao hàng với máy bay không người lái, xe tự động,…Vậy thì còn bao lâu nữa thì chúng ta sẽ bắt đầu có những chú chó robot với tác dụng canh gác nhà cửa? Có vẻ như ý tưởng cho tập phim này bắt nguồn từ Boston Dynamics, một công ty vào năm 2005 đã sản xuất thành công BigDog, một chú chó robot quân sự để giúp đỡ những người lính khi đi vào chiến trường, băng qua những nơi mà xe thường không thể qua lại. BigDog đi bằng 4 chân, có một hệ thống tầm nhìn rất rộng, một dải các con quay hồi chuyển và cảm biến để định hướng. Tuy nhiên, BigDog đã bị dừng sản xuất vì nó tạo ra quá nhiều tiếng động trên chiến trường. Nhưng theo Boston Dynamics, một phiên bản mini của BigDog đang được phát minh.
4. Ứng dụng đánh giá công dân
Xếp hạng và đánh giá một con người là một phần cực kì quan trọng trong tập phim Nosedive. Những người càng được đánh giá tốt thì càng có nhiều đặc ân. Ngày nay, với những ứng dụng như Uber, Instagram,…Chúng ta đang dần gián tiếp tham gia vào việc đánh giá người khác. Muốn biết nhà hàng nào tốt chỉ cần xem những nơi được like nhiều nhất và review tốt nhất. Điều tương tự cũng xảy ra với Uber, muốn biết người tài xế sắp chở mình có đáng tin cậy hay không thì chỉ cần nhìn vào phần review của họ. Trên thực tế, ở Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống Social Credit System (Hệ thống điểm tín dụng xã hội). Hệ thống này sẽ đánh giá mỗi công dân dựa trên quan điểm chính trị, tình hình tài chính, hồ sơ tội phạm cũng như nhiều mặt khác của họ.
Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một nhà xã hội học Trung Quốc giải thích rằng:
Người Trung Quốc không thật sự tin tưởng nhau. Gần như ai cũng đang trong thế phòng thủ, chờ đợi ai đó đâm lén mình. Chính vì sự thiếu tin tưởng này mà khi cuộc cách mạng văn hóa đến, nhiều người, dù là gia đình hay xa lạ, cũng đã quay lưng lại với nhau. Tôi tin là hệ thống mới này sẽ giúp mọi người tin vào nhau hơn.
5. Chip theo dõi trẻ em
Trong tập phim Arkangel, một người mẹ đồng ý cấy một con chip vào người con mình. Nhờ chiếc chip này mà người mẹ có thể thấy những gì mà đứa con thấy cũng như là điều chỉnh, làm mờ những hình ảnh mà bà cho là không phù hợp. Ngoài ra, chiếc chip cũng có thể theo dõi vị trí, tình hình sức khỏe, nhịp tim sức khỏe của người mang chip.
Ngày nay, với sự tiến bộ trong công nghệ, đã có nhiều ứng dụng cho phép các bậc phụ huynh theo dõi vị trí của con mình, xem những gì mà chúng đang làm trên internet,…Và đó chỉ mới là bước đầu. UC Berkeley hiện đang trong giai đoạn phát triển một hệ thống ảo để giúp các bậc phụ huynh nhìn thấy những gì mà con mình nhìn thấy, tương tự với con chip trong Arkangel. Những nhà khoa học đang sử dụng công nghệ fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging – Hình ảnh cộng từ chức năng) và những ứng dụng xây dựng hình ảnh để đạt được mục tiêu này. Giáo sư Jack Gallant ở UC Berkeley nói rằng đây là một bước tiến lớn trong việc xây dựng hình ảnh từ não. Chúng ta đang mở ra một cánh cửa mới trong lĩnh vực khám phá bộ óc con người.
Hi vọng là công nghệ này sẽ được dùng với những mục đích tốt chứ không như trong tập phim kia…
Comments