Như đã nói trong bài viết kỳ trước, ngành y học và hóa mỹ phẩm của nhân loại phụ thuộc vào loài chuột, chúng đóng vai trò quan trọng vì chiếm 95% số động vật phục vụ thí nghiệm sinh hóa học. Nếu chuột đột nhiên biến mất sẽ dẫn đến một sự hụt hẫng không thể bù đắp được đối với cộng đồng nghiên cứu y học.
Thế nhưng, vai trò của chuột còn quan trọng hơn thế, chúng không chỉ là động vật thí nghiệm cho con người mà còn giữ gìn sự cân bằng vốn mỏng manh cho hệ sinh thái mà chúng ta là một phần trong đó. Nếu không có chuột, rất nhiều loài động vật và thực vật khác sẽ tuyệt diệt theo.
Chuột giúp phán tán hạt cây
Tất cả các loài động vật trong hệ sinh thái đều có một vai trò nào đó, tuy nhiên một số loài quan trọng hơn các loài khác, ví dụ như kiến và chuột. Trước hết, chuột giúp các loài cây cỏ phát tán hạt giống, chúng ăn trái cây, sau đó đi đến một nơi khác và đi ngoài ra hạt cây, điều này giúp mở rộng phạm vi và độ phủ của một số loài thực vật.
Các nhà sinh vật học từ lâu đã biết rằng loài gặm nhấm đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của thế hệ cây mới cho rừng nhiệt đới bằng cách phát tán hạt. Ít nhất một loài gặm nhấm ở Châu Phi, ví dụ như chuột túi khổng lồ Kivu vô tình mang các hạt cây đi khắp nơi khi chúng tích trữ hạt với số lượng lớn để ăn dần.
Những hạt không được ăn hết sẽ nảy mầm, phát triển thành thảm thực vật mới. Hành vi tương tự xảy ra ở các loài chuột tại Bắc Mỹ. Những sinh vật này lưu trữ hạt giống cùng với các chất hữu cơ khác để tiêu thụ vào mùa đông, nhờ vậy mà tạo điều kiện để các giống cây đó được bảo tồn.
Chuột giúp làm màu mỡ đất khi đào hang
Nhiều loài gặm nhấm như chuột sóc đất, chuột túi và chuột sóc thảo nguyê đào hang sâu và đường hầm phức tạp trong đất. Những đường hầm này không chỉ tạo môi trường sống cho nhiều loài dưới lòng đất khác, chúng còn mang lại lợi ích quan trọng cho vùng đất đó. Đào đường hầm đồng nghĩa với việc chúng đã trộn các lớp đất bề mặt và phân ở trên cùng với các lớp đất sâu hơn ở tầng dưới.
Quá trình này cần thiết cho sự phát triển của cây, giúp các loài thực vật hấp thu dinh dưỡng từ đất tốt hơn. Các đường hầm cho phép nước chảy sâu vào đất thay vì chảy tràn trên bề mặt, đồng thời mang oxy qua các lớp trầm tích, sục khí vào đất để khuyến khích sự phát triển của rễ cây. Hành vi này của chuột cũng có nguyên lý tương tự với việc nhà nông xới và trộn đất trước khi gieo hạt.
Chuột giúp phân phối các loại nấm có lợi
Thực vật trong hệ sinh thái rừng có mối quan hệ cộng sinh cùng các loại nấm trong đất. Nấm cung cấp cho thực vật các chất dinh dưỡng, trong khi thực vật cung cấp năng lượng cho nấm để phát triển và sinh sản. Hạt của một số loại cây, như hoa lan, thậm chí sẽ không nảy mầm nếu thiếu các loại nấm phù hợp. Các loài gặm nhấm như chuột đồng thu hoạch và lưu trữ nấm, tạo điều kiện để các bào tử nấm lớn nhanh và lây lan trong hệ sinh thái.
Nhiều loại nấm sống ngầm trong đất phụ thuộc gần như hoàn toàn vào loài gặm nhấm để phân tán bào tử và sinh sản. Khi ăn nấm, chuột phân phối các bào tử nấm ra môi trường cùng với phân, giúp cho một thế hệ cây rừng mới phát triển khỏe mạnh. Điều này cũng giống như loài người chúng ta cộng sinh với các lợi khuẩn có trong hệ tiêu hóa vậy.
Chuột ăn các loại côn trùng có hại
Chúng ta biết rằng chuột cũng phá hoại mùa màng, tuy nhiên bên cạnh đó chúng ăn nhiều loại côn trùng gây hại khác như sâu, bọ cánh cứng. Chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát số lượng chuột trên đồng ruộng hoặc bảo vệ kho lương thực bằng cách nuôi mèo hoặc chó sục, tuy nhiên lại không thể ngăn cản lượng lớn sâu bọ gây hại một cách tự nhiên mà phải nhờ vào chuột để kềm hãm bọn côn trùng này.
Comments