NASA đã tiết lộ những thông tin chi tiết về chương trình đổ bộ lên Mặt Trăng vào ngày hôm qua, bao gồm ngân sách chi tiết, các mốc thời gian của dự án và một kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng căn cứ lâu dài tại cực Nam của Mặt Trăng. Dự án này được đặt tên theo vị nữ thần Mặt Trăng trong thần thoại Hy Lạp – Artemis, cũng là em gái của thần Mặt Trời Apollo.
Để Hoa Kỳ quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024, tổng cộng 28 tỷ USD tiền thuế sẽ được huy động (khoảng 650 nghìn tỷ VNĐ), trong đó 16 tỷ USD sẽ dành cho chương trình “Hệ thống hạ cánh dành cho con người” trên bề mặt Mặt Trăng. NASA đã tiết lộ những điều trên cùng các chi tiết khác về chương trình Artemis sắp tới trong một báo cáo dài đến 74 trang.
Trong tổng số ngân sách, 7.6 tỷ USD sẽ được phân bổ cho tàu vũ trụ Orion và “Hệ thống phóng vào không gian”, 1 tỷ USD để phát triển “công nghệ thăm dò” và 518 triệu USD để phát triển và sản xuất các bộ quần áo du hành vũ trụ cho các phi hành gia. Mức giá 28 tỷ USD kể trên được áp dụng cho ngân sách các năm từ 2021 đến 2025.
Không chắc rằng Hạ viện Hoa Kỳ sẽ phê duyệt cho số tiền mặt khổng lồ được NASA yêu cầu, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đang diễn ra và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến. Hiện có ba nhóm nghiên cứu các khái niệm về “Hệ thống đổ bộ dành cho con người”, chưa có nhóm nào được NASA chính thức phê duyệt để sử dụng trong các cuộc hạ cánh lên Mặt Trăng.
Trước đó, nỗ lực của kế hoạch Blue Origin, bao gồm sự đóng góp của các hãng như Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper – những công ty tiên phong trong ngành hàng không vũ trụ đã giao một bản sao đầy đủ của tàu đổ bộ cho NASA vào tháng 8 vừa qua. Cùng lúc đó, Dynetics và SpaceX của Elon Musk là hai công ty tư nhân khác hiện cũng đang phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng. Tạm đặt vấn đề ngân sách sang một bên, báo cáo mới cũng chứa các chi tiết hấp dẫn về các nhiệm vụ sắp tới của dự án Artemis.
NASA khẳng định muốn hạ cánh gần cực Nam của Mặt Trăng, xua tan những báo cáo gần đây cho rằng cơ quan vũ trụ này đã lên kế hoạch hạ cánh gần địa điểm của sứ mệnh Apollo trước đây. Khi đến các vùng cực Nam, các phi hành gia của Artemis sẽ cố gắng thu thập những mẩu băng, điều mà các phi hành đoàn Apollo đã không thể làm được tại địa điểm hạ cánh của họ.
Sứ mệnh sẽ bao gồm 3 giai đoạn là Artemis I, Artemis II và Artemis III. Trong đó Artemis I sẽ liên quan đến việc khởi động lần đầu tiên “Hệ thống phóng vào không gian” của NASA, diễn ra vào tháng 11 năm 2021. Tàu vũ trụ Orion, được thiết kế để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Mặt Trăng, đã được chính thức phê duyệt là sẽ cất cánh vào thời gian đó.
Kế đến, Artemis II sẽ được phóng lên vào một thời điểm nào đó trong năm 2023 và đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Mặt Trăng, trong khi chờ đợi thì các phi hành gia sẽ phải rèn luyện thể lực và tập đi tập lại các thao tác đổ bộ. Nhiệm vụ này sẽ cho phi hành đoàn cơ hội để lái tàu Orion theo cách thủ công – một cuộc trình diễn để đánh giá “chất lượng xử lý cũng như phần cứng và phần mềm liên quan” của tàu vũ trụ này.
Tiếp theo sẽ đến Artemis III, dự kiến sẽ triển khai vào năm 2024, NASA sẽ đưa hai phi hành gia một nam và một nữ lên bề mặt Mặt Trăng. Bộ đôi này sẽ ở trên bề mặt khoảng 7 ngày, trong thời gian này họ sẽ thu thập mẫu vật và thực hiện các thí nghiệm khoa học cũng như nhiều nhiệm vụ khác. Những nhà thám hiểm Mặt Trăng này sẽ mặc bộ đồ không gian mới có kiểu dáng lạ mắt hơn, được đặt tên là “Đơn vị di động thám hiểm ngoại vi” – hay viết tắt là xEMUs, chúng được thiết kế để linh hoạt hơn và cho phép di chuyển nhanh hơn các phiên bản lỗi thời của nhiệm vụ Apollo.
Bên cạnh Artemis, NASA cũng nhắc đến việc xây dựng tiền đồn cho loài người có quỹ đạo bay xung quanh Mặt Trăng – gọi là Gateway. Sau khi tiền đồn này được xây dựng, những nhiệm vụ sau này của NASA sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nó giúp các phi hành gia có thể nhận hàng tiếp tế từ Trái Đất một cách tiện lợi và an toàn hơn. Đây là những bước tiến đầu tiên trong việc thiết lập một căn cứ bền vững trên Mặt Trăng, mang lại lợi ích lâu dài cho nhân loại trong việc nghiên cứu vũ trụ. Sau khi Artemis III hoàn thành và Gateway được xây dựng, NASA sẽ làm việc để đảm bảo loài người sống được trên bề mặt Mặt Trăng, điều này hy vọng sẽ xảy ra vào giữa đến cuối những năm 2020.
Đại diện NASA nói:
Giai đoạn này của dự án Artemis thực sự mang lại cảm giác đầy hứa hẹn trong tương lai với các kế hoạch “tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên bề mặt Mặt Trăng”. Để đạt được mục tiêu đó, NASA có kế hoạch triển khai robot, một cơ sở di động với cabin điều áp cho phi hành đoàn, module làm nơi ở, hệ thống điện và các hệ thống sử dụng tài nguyên tại chỗ khác nhau (chẳng hạn, phi hành đoàn sẽ cố gắng chuyển đổi nước từ băng thành oxy và nhiên liệu). Quan trọng hơn, những dự án này sẽ đóng vai trò như một khúc dạo đầu cho một sứ mệnh quan trọng hơn đưa phi hành đoàn lên sao Hỏa, điều mà chúng ta hy vọng có thể xảy ra vào những năm 2030.
Comments