Ngày 25/9, Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy chính thức công chiếu tại Việt Nam. Ròm kể về cậu bé tên Ròm làm nghề “cò đề” ở một khu dân cư nghèo. Cuộc sống của cậu là những tháng ngày lên voi xuống chó với công việc của mình cũng như sự cạnh tranh với những “cò đề” khác.
Sau gần hai ngày ra rạp, cộng đồng nhanh chóng chia ra hai luồng khán giả. Có người khen kẻ chê, có người tán dương bằng một loạt mỹ từ và cũng không ít người cho rằng Ròm chẳng nghệ thuật như nhiều bài viết ca tụng.
Trước khi ra mắt khán giả, Ròm đã gây chú ý bằng một loạt thông tin như đạt một trong những giải cao tại liên hoan phim Busan, thời lượng phim bị cắt, vấn đề kiểm duyệt, hành trình 8 năm của đạo diễn v.v… Những thông tin bên lề này khiến nhiều khán giả mủi lòng trước số phận của phim, sẵn sàng ra rạp để ủng hộ một bộ phim chất lượng mà “long đong lận đận”.
Không ngoài dự đoán, Ròm cũng nhận được nhiều lời ca ngợi ngay sau buổi công chiếu đầu tiên như “dấu ấn với điện ảnh quốc tế”, “phim Việt Nam hay nhất trong 10 năm qua”, “phim rất thật, rất đời”, “mô tả chân thực”, v.v… Hiếm thấy tác phẩm điện ảnh nào được giới “sao” và những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng ưu ái, lăng xê nhiệt tình đến như vậy.
Tuy nhiên sau khi phim được trình chiếu ngoài rạp cho đông đảo công chúng thưởng thức, một bộ phận khán giả cảm thấy hụt hẫng, “ngơ ngác” trước nội dung thiếu hoàn chỉnh, cắt cảnh “bùm bụp” và cái kết lửng lơ. Một số người phản ứng thẳng thắn khi nhận xét Ròm là một bộ phim “nhạt nhẽo”, không có cao trào, một số người khác đánh giá ôn hòa hơn khi nêu ra cả ưu điểm lẫn nhược điểm của phim. Phải chăng gu thưởng thức của Ban giám khảo ở LHP Busan khác với khán giả Việt Nam, hay vì phim quá sâu sắc, nghệ thuật nên không phải người xem nào cũng cảm nhận được?
Một số người xem đặt câu hỏi liệu đây có phải bản phim hoàn chỉnh so với bản đã được trình chiếu tại LHP Busan năm ngoái hay không, nhưng chính đạo diễn Trần Thanh Huy đã khẳng định trong nhiều bài phỏng vấn như sau:
Thực tế, “Ròm” được duyệt đã thay đổi sau vài lần chỉnh sửa. Trong phim có một số cảnh được đánh giá là chưa phù hợp nên chúng tôi đã tìm cách thay thế, hoặc gia giảm thời lượng của một số phân đoạn.
Và may mắn là Hội đồng duyệt phim vẫn thông qua phần câu chuyện chính của phim. Cuộc hành trình của hai nhân vật chính vẫn còn nguyên vẹn, những cảnh hành động rượt đuổi khắp Sài Gòn vẫn được giữ lại. Hai bản phim chiếu ở Việt Nam và Busan có thời lượng không chênh lệch nhau.
Như vậy, thông tin “phim phải cắt 50% mới được ra rạp” là hoàn toàn không chính xác. Có thể nhận định bản phim này vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn ý đồ của đạo diễn.
Qua những đánh giá về Ròm, dễ nhận thấy nhiều khán giả tỏ ra quan ngại trước các bài đánh giá phim sớm đến từ giới nghệ sĩ và báo chí, đôi khi vô tình khoác một “tấm áo qúa rộng” lên bộ phim và khiến người xem có kỳ vọng quá cao trước khi ra rạp. Có một thông tin cần biết thêm rằng: LHP Busan thực chất là sân chơi dành riêng cho các đạo diễn trẻ với các tác phẩm đầu tay, nhằm khuyến khích sức sáng tạo của họ, ủng hộ tinh thần cho các nhà làm phim triển vọng hơn là một giải thưởng mang tính hàn lâm.
Tất nhiên, Ròm vẫn là một tác phẩm tương đối chỉn chu và sáng giá trong thị trường phim Việt. Những nhận định trái chiều về chất lượng của phim có thể sẽ là đòn bẩy hữu hiệu cho thành công doanh thu của phim trong một năm rạp chiếu đìu hiu.
Comments