Tháng 10 năm 1886, tại Toà án cảnh sát đường Marlborough thuộc thành phố London, một cô gái trẻ vận đồ nam giới bị buộc tội ăn cắp từ người chủ của cô. Lois Schwich (đôi lúc họ của cô được đọc là “Schwick”), năm đó 21 tuổi, đã ăn mặc như nam giới từ khi chỉ mới 17 tuổi.
“Cô Schwich đây đã rất nỗ lực để tìm kiếm một công việc. Cô phải nuôi dưỡng mẹ mình và cả một gia đình đang chết đói.
Trong cơn tuyệt vọng, cô Schwich quyết định giả trang thành đàn ông bằng cách ăn vận như một nam giới, và thế là cô tìm được việc làm.”
– theo tin tức được đưa trên tờ Herts & Cambs Reporter & Royston Crow, số ra ngày 29 tháng 10 năm 1886.
Trong hình dạng một cậu bé, Lois Schwich xin được chân chạy việc vặt ở hiệu may có tên “Messrs. Goodman and Davis” trên đường Oxford.
Theo ấn bản ngày 21 tháng 10 năm 1886 của tờ Yorkshire Post and Leeds Intelligencer, Lois Schwick đã nói với ông Goodman rằng “cô 15 tuổi và chưa từng có việc làm”. Tin rằng người đang “phỏng vấn xin việc” này là một cậu bé, ông Goodman nhận ngay Lois vào làm việc.
Trong thời gian vài tháng mà cô Schwich làm việc cho hiệu may, nhiều món đồ có giá trị ở đây – với giá từ 60 đến 80 euro – cứ liên tục bị mất. Trong số đó có nhiều chiếc quần và vải dùng để cắt may đồ đạc. Ông chủ Goodman cho Schwich thôi việc, tuy vậy, ông vẫn không báo cảnh sát về những vụ mất trộm này.
Công việc tiếp theo mà Lois Schwich tìm được là gác cổng cho cửa hàng của Frederick Noble Jones – một thợ làm găng tay ở Burlington Arcade.
Lần này, tài sản của ông Jones bao gồm vài đôi ủng, găng tay và khăn tay với giá trị tổng cộng là 15 euro lại tiếp tục biến mất không dấu vết. Ông lập tức giao nộp Lois Schwick cho cảnh sát.
Theo như tờ Yorkshire Post and Leeds Intelligencer thuật lại, “Khi giới tính thật của cô Schwick bị phát hiện, quan tòa đã cho rằng không nên để cô mặc đồ phụ nữ cho tới khi vụ việc này được giải quyết xong.”
Vụ việc của Lois Schwich đã thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng. Nhiều người bày tỏ thông cảm sâu sắc và quyên góp tiền cho Schwich cùng gia đình nghèo túng của cô.
Ấn bản ngày 20 tháng 11 năm 1886 của tờ Weekly Irish Times khẳng định rằng một vị mục sư có địa vị nọ đề nghị cưới Lois Schwich làm vợ.
Tờ Herts & Cambs Reporter & Royston Crow thì đưa tin có một sĩ quan thuộc Pháo binh Hoàng gia mang niềm tin mãnh liệt vào sự trong sạch của cô Schwich, đến nỗi anh này sẵn sàng đứng ra đảm bảo cho cô ở trước tòa, kể cả khi số tiền anh phải trả có khi lên đến 1000 euro.
Nắm được tâm lý số đông trong câu chuyện về Lois Schwich, tờ Weekly Irish Times đã viết:
“Chúng ta bị lay động, trong tuyệt vọng, khi biết được câu chuyện về một cô gái trẻ đứng đắn và có giáo dục, mới 20 tuổi đầu đã phải giả trang đàn ông để tìm việc làm mà mua mấy mẩu bánh mì nuôi mẹ mình sống qua ngày.
Chỉ vì đạo làm con, cô gái trẻ trong phút bốc đồng đã lấy đi ít xu và vài món đồ ở nơi làm việc. Rồi cô bị bắt giữ.
Hãy cảm thông cho nữ anh hùng của chúng ta, cô gái trẻ đáng yêu và tận tụy, nạn nhân của sự bất công gây ra bởi xã hội và luật pháp…”
Thật không may, một mớ bằng chứng đầy vững chắc đã nhanh chóng làm phai mờ khía cạnh lãng mạn trong câu chuyện của Lois Schwich. Sau khi lục soát căn phòng mà Schwich và gia đình trú ngụ, cảnh sát tìm thấy một số lượng lớn giấy cầm đồ – tất cả đều là giấy ghi nhận cầm cố những thứ mà Schwich từng trộm.
Một đôi tất lụa cùng nhiều đồ đạc khác sau đó cũng đã được nhận diện và xác minh tại tòa. Theo tờ Yorkshire Post and Leeds Intelligencer, chủ hiệu cầm đồ khẳng định rằng những món đồ kể trên luôn được mang đến cầm bởi một phụ nữ – có thể là cô Schwich khi vận váy áo nữ giới.
Các cuộc điều tra sau đó tiết lộ bằng chứng cho thấy Lois Schwich đã sử dụng nhân dạng đàn ông của mình để trộm cắp từ khá lâu so với nhận định ban đầu của cảnh sát. Tờ Alcester Chronicle, số ra ngày 20 tháng 11 năm 1886 đưa tin:
“Lois Schwich, một cô gái, người đã giả làm đàn ông trong những bộ trang phục nam giới và được nhận vào làm chân chạy vặt, hóa ra lại là kẻ phạm tội mà phía cảnh sát từng biết tới.
Chúng ta có lí do để tin và tuyên bố rằng cô ta đã trộm cắp trong nhiều năm, còn quần áo nam giới cũng chỉ là một công cụ của cô ta mà thôi.”
Ngoài ra, một Cha sở có quen biết gia đình của cô Schwich đã viết thư cho báo chí và tiết lộ rằng lí do mà Lois Schwich ăn mặc như đàn ông thật ra chẳng hề cao thượng như cô từng tuyên bố.
“Đức Cha B. H. Alford từ Tòa cha sở St. Luke… Bây giờ thì sự việc hiển nhiên rõ ràng, rằng cô gái đó đã được coi là ‘một cháu trai’ trong bốn năm hoặc hơn.
Không có sự thay đổi đầy đột ngột trong đau buồn để mà dẫn tới việc che đậy giới tính. Khi mà gần đây, chúng tôi đã hai lần tìm được việc làm cho người chị gái tên Mary của cô ấy, thì lời bào chữa về giới tính trở nên không hề có căn cứ.”
Càng đáng chê trách hơn – chí ít là đối với công chúng – là cách mà cô Schwich hành xử ở ngoài nơi làm việc. Mặc trang phục đàn ông, cô ấy không những hút thuốc lá mà còn tham gia chè chén với những bạn bè mang giới tính nam của mình.
Khi sự thật được phơi bày, công chúng ngay lập tức quay lưng và phản đối Lois Schwich. Tờ Weekly Irish Times, rất nhanh chóng nắm bắt “thị hiếu đám đông”, đã tuyên bố:
“Khía cạnh thơ mộng trong câu chuyện của Lois Schwich đã kết thúc trong ô nhục hôm thứ bảy vừa rồi…
Hóa ra Lois xấu xa đến thế. Thêm một ảo ảnh nữa tàn lụi, và chúng tôi muốn Lois phải chịu trách nhiệm. Giờ đây, không gì là đủ cay nghiệt để đưa ra chỉ trích cô ta.”
Cuối cùng, Lois Schwich bị kết tội đã trộm số tài sản có giá trị tổng cộng là 60 euro từ những ông chủ của mình, và phải thực hiện bản án là tám tháng lao động khổ sai. Cuộc đời của Lois sau đó không được ghi chép lại, và người ta không biết liệu cô có tiếp tục ăn vận như nam giới nữa không.
Nhưng điều làm người ta băn khoăn nhất, đó là việc cải trang thành đàn ông của Lois Schwich đơn thuần chỉ là để tìm việc làm, trộm cắp, hay thật sự đó là sở thích của cô? Dù sao thì đó cũng đã là một câu chuyện xưa cũ, nên quyền phán xét giờ đây nằm trong tay mỗi người.
Comments