Ngạch Nhĩ Đức Đặc Thị Văn Tú sinh ngày 20/12/1909. Năm 1922, bà và Uyển Dung cùng nhau nhập cung, trở thành phi tần của hoàng đế cuối cùng nhà Thanh – Phổ Nghi. Cùng năm, Uyển Dung lên ngôi hoàng hậu còn Văn Tú được sắc phong thành Thục phi.
Tuy là phi tần của vua nhưng bà chưa từng được Phổ Nghi lâm hạnh. Bị hoàng thượng thờ ơ và hoàng hậu Uyển Dung chèn ép, Văn Tú sống trong nhung lụa của hoàng cung nhưng tâm hồn lại cô đơn, u uất. Sau này, vì cảm thông cho hoàn cảnh của Thục Phi nên Phổ Nghi đã mời thầy giáo ngoại quốc tới dạy tiếng Anh cho bà. Sau khi tiếp xúc với văn hoá nước ngoài, bà trở nên cởi mở, vui vẻ hơn.
Nhưng cuộc sống yên ổn chẳng kéo dài được bao lâu, năm 1924, chính quyền của vua Phổ Nghi bị lật đổ. Vì muốn lấy lại quyền lực, nhà vua đã kêu gọi sự giúp đỡ của Nhật Bản. Tuy nhiên, Văn Tú cho rằng, Nhật không đáng tin và khuyên Phổ Nghi nên kiên nhẫn chờ thời cơ chín muồi. Bất đồng quan điểm đã khiến Thục Phi bị nhà vua ghẻ lạnh thậm chí là ngược đãi. Ngay cả nô tỳ, thái giám cũng lên mặt dạy đời Văn Tú sau khi bà bị thất sủng.
Khi mọi chuyện lên đến đỉnh điểm, Văn Tú quyết định tìm lối thoát cho mình. Bà tìm hiểu luật và thấy rằng khi Phổ Nghi không còn thuộc hoàng thất thì ông cũng chỉ là một công dân Trung Hoa bình thường. Văn Tú lấy hết can đảm đệ đơn lên tòa ly hôn với Phổ Nghi với lý do là chồng… yếu sinh lý và nhiều lần bị ngược đãi.
Sự việc ly hôn này đã trở thành tâm điểm chú ý của xã hội thời bấy giờ. Do quá bất ngờ trước việc Thục phi muốn ly hôn cùng với lý do “bẽ mặt”, Phổ Nghi đã thuê hai luật sư tiếp kiện và nhanh chóng đồng ý đường ai nấy đi. Hành động của Văn Tú nhận được không ít lời khen ngợi từ dân chúng, nhiều người còn gọi bà là “hoàng phi cách mạng” vì biết đấu tranh cho bản thân.
Năm 1945, sau khi Quốc dân đảng thống nhất Bắc Kinh, Văn Tú được bạn bè giới thiệu cho một thiếu tá trong quân đội là Lưu Chấn Đông. Sau 2 năm quen biết, hai người quyết định kết hôn. Bà cùng chồng sau sống cuộc sống bình lặng, chồng đi làm, bà thì ở nhà quán xuyến nội trợ, hai người không có con với nhau.
Trong mắt Lưu Chấn Đông, Văn Tú không chỉ là một người vợ xinh đẹp, đảm đang mà còn hiểu biết sâu rộng, thông minh hơn người, thông thạo tiếng Anh. Đến năm 1953, Văn Tú mắc bệnh nặng không thể cứu chữa. Biết ngày tháng còn lại không nhiều, bà quyết định tâm sự với chồng về thân thế và những chuyện trong quá khứ của mình. Sau khi biết vợ chính là hoàng phi nổi tiếng một thời, Lưu Chấn Đông không khỏi bàng hoàng.
Ngày 17/9 cùng năm, bà qua đời khi mới 45 tuổi và được an táng tại An Định Môn.
Comments