Ngày 28 tháng 10 năm 2019, một người đàn ông 47 tuổi tên là Tetsu Shiohara, nickname trên mạng xã hội là “Tedzu” đã không may trượt chân ngã trên đỉnh núi Phú Sĩ và thiệt mạng. “Chỗ này nguy hiểm lắm!” là câu nói cuối cùng của người này được ghi lại trong lúc live stream, ngay trước khi gặp tai nạn.
Ngày 16 tháng 6 năm 2020, Tedzu được truy tặng giải thưởng Darwin cho danh hiệu “đỉnh cao của sự ngu ngốc”, giải thưởng này nhằm tôn vinh sự “chọn lọc tự nhiên”.
Video cuối cùng của streamer Tedzu:
Vậy một người gặp tai nạn ở đỉnh núi Phú Sĩ vì sao lại được trao giải thưởng “kẻ ngu ngốc nhất”? Vấn đề là streamer Tedzu đã cố ý leo núi Phú Sĩ để quay phim trong mùa đông tuyết rơi – thời gian mà ngọn núi cao nhất Nhật Bản cực kỳ nguy hiểm đến mức chính quyền cấm mọi hoạt động leo núi vào giai đoạn này.
Thời gian được phép leo núi Phú Sĩ do chính quyền Nhật Bản quy định là từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9 – lúc này tuyết tan hết, những con đường mòn và cột mốc có thể nhìn thấy rõ ràng, nguy cơ trượt ngã cũng giảm đến mức tối thiểu. Tedzu đã thiệt mạng vì xem thường những quy tắc này, đôi khi, sự ngu ngốc phải trả giá bằng mạng sống.
Núi Phú Sĩ không chỉ linh thiêng và là biểu tượng của Nhật Bản mà còn có cảnh quan tuyệt đẹp thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm. Tuy nhiên, nơi này trở thành cấm địa vào mùa đông vì nhiệt độ thấp đến âm độ, tuyết rơi dày khiến đường lên núi rất nguy hiểm.
Trong video trên, Tedzu có nhắc tới việc những ngón tay anh ta bị lạnh cóng, chứng tỏ găng tay bảo hộ không đạt chuẩn để bảo vệ bàn tay khỏi cái lạnh của mùa đông. Tuy nhiên streamer này vẫn cố cầm điện thoại để live trong điều kiện khắc nghiệt.
Ban tổ chức giải Darwin viết:
Trên tinh thần của Charles Darwin, giải thưởng Darwin tôn vinh những người đã hy sinh chính mạng sống của họ để bảo vệ sự toàn vẹn của bộ gen loài người. Những kẻ nhận được giải thưởng Darwin đều là thể loại ngu ngốc đến phi thường, và họ tự xóa sổ thông tin di truyền của mình nhằm đảm bảo nhân loại có thể tồn tại lâu dài.
Tedzu đã cố livestream bằng điện thoại để câu view trong tình trạng nguy hiểm, bất chấp tuyết rơi dày và đôi tay bị bỏng lạnh, anh ta vẫn CỐ QUAY PHIM BẰNG ĐIỆN THOẠI.
Thi thể của Tedzu được tìm thấy trên sườn núi, gần đường mòn Subashiri, cách đỉnh núi khoảng 800 mét.
Nhiều người leo núi đánh giá thấp độ nguy hiểm của Phú Sĩ – ngọn núi cao nhất Nhật Bản với phần đỉnh cao 3.776 mét so với mặt nước biển. Hy vọng cái chết bi thảm của Tedzu được nhắc đến trong giải thưởng Darwin sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở nghiêm túc cho những người khác khỏi bị xóa sổ bởi hiện tượng “chọn lọc tự nhiên”.
Đọc thêm:
Comments