1. Ichthyophobia (Hội chứng sợ cá)
Trong khi ai đó có thể sợ chó hoặc mèo vì lo ngại việc bị chúng tấn công, thì một số người lại có nỗi ám ảnh đặc biệt với cá. Nhiều giả thuyết cho rằng những người mắc Ichthyophobia từng bị tấn công trong quá khứ. Tuy nhiên, điều này không khả quan lắm và thậm chí nỗi sợ cá mập có hẳn một tên gọi riêng là Selacophobia. Những người mắc hội chứng Ichthyophobia có một nỗi sợ đối với bất kỳ loài cá nào, không quan tâm đến kích thước hay mức độ nguy hiểm của chúng.
Đối với những người mắc chứng Ichthyophobia, việc nhìn, tiếp xúc hay ăn cá cũng khiến họ sợ hãi, căng thẳng. Họ coi cá là loài sinh vật bẩn thỉu, tanh tưởi và có thể lây lan dịch bệnh. Thậm chí một số người còn không thể đi du lịch đến các khu vực hồ nước, biển vì nỗi ám ảnh kỳ quặc này.
2. Cynophobia (Hội chứng sợ chó)
Mặc dù chó là một loài sinh vật đáng yêu, hiếu động nhưng nỗi sợ này không phải là không có căn cứ. Trên thực tế, nhiều người mắc Cynophobia từng bị chó đuổi hoặc tấn công, hay đơn giản chỉ là họ từng chứng kiến sự việc trên.
Theo thống kế, số lượng được nhận nuôi ở Mỹ vào năm 2017 đã tăng hơn 20 triệu con kể từ cuộc khảo sát năm 2000. Điều này có nghĩa, những người mắc hội chứng Cynophobia sẽ có ít nhất một người bạn nuôi chó. Họ thậm chí còn sợ rời khỏi nhà vì ngoài đường đâu đâu cũng thấy người ta dắt chó đi dạo.
Đối với người mắc Cynophobia, ngay cả tiếng sủa hay âm thanh rên rỉ làm nũng của các chú chó cũng khiến họ run sợ, hoảng loạn. Một trong những cách tốt nhất để chữa trị Cynophobia chính là cho người mắc bệnh tiếp xúc với những chú chó con đáng yêu.
3. Ailurophobia (Hội chứng sợ mèo)
Hội chứng sợ mèo còn được biết đến với các tên gọi khác như Gatophobia hay Felinophobia. Những người mắc bệnh thường có cảm giác lo lắng, hoảng loạn mỗi khi họ phát hiện ra sự hiện diện của một con mèo. Đôi khi, chỉ một tiếng kêu “meo” cũng khiến họ kinh hồn bạt vía, bỏ của chạy lấy người.
Một số nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Napoleon Bonaparte, Julius Caesar và Alexander Đại đế được cho là mắc hội chứng trên. Nhiều giả thuyết cho rằng người xưa sợ mèo, đặc biệt là vì chúng liên quan tới phù thuỷ, chết chóc.
4. Alektorophobia (Hội chứng sợ gà)
Nếu như Ornithophobia là nỗi sợ chim thì Alektorophobia chính là hội chứng ám ảnh với loài gà. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lap “alektor” có nghĩa là gà trống. Nhiều giả thuyết cho rằng, có vẻ như những người mắc Alektorophobia từng sống ở vùng nông thôn trong một khoảng thời gian dài và đã có trải nghiệm không mấy dễ chịu với loài gà. Khi lớn lên, họ quyết định chuyển đến sinh sống ở thành thị để không phải lo lắng, sợ hãi trước các trang trại hàng trăm con gà.
Đôi khi, việc ăn thịt gà cũng khiến người mắc Alektorophobia cảm thấy ghê tởm. Một điều khá buồn là họ thường không mấy mặn mà với bữa tối hay lễ Tạ Ơn với con gà tây vàng ruộm, óng ánh.
5. Bufonophobia (Hội chứng sợ cóc)
Bufonophobia là một phần của hội chứng sợ các loài lưỡng cư Batraciophobia. Đối với nhiều người, cóc là loài sinh vật xấu xí với lớp da xù xì, gai góc cùng cơ thể bẩn thỉu mang mầm bệnh. Thậm chí, một số người mắc Bufonophobia còn cho rằng những con cóc khổng lồ có thể nuốt chửng họ.
Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng cóc khiến nhiều người sợ hãi vì chúng thường liên quan đến phù thuỷ. Họ cho rằng loài sinh vật này là một trong những thành phần để chế thuốc độc. Những niềm tin vô căn cứ này đã ám ảnh người mắc Bufonophobia, khiến họ run sợ, áp lực khi đối diện với cóc.
6. Scoleciphobia (Hội chứng sợ giun)
Trong quá trình đào hang và di chuyển, giun giúp làm tơi đất, góp phần tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, một số người mắc Scoleciphobia thậm chí không dám đi bộ trên cỏ vì họ biết những con giun đang bò ngoằn ngoèo bên dưới.
Đa số mọi người đều cho rằng giun là loài sinh vật bẩn thỉu nên không muốn chạm vào chúng. Còn những người mắc hội chứng Scoleciphobia thì sợ chúng tới mức chỉ dám đi trên nền bê tông. Lý do mắc hội chứng này chủ yếu do họ từng bắt gặp các cảnh tượng ghê rợn, ám ảnh với loài giun. Số khác thì lại kinh hồn bạt vía trước những con giun sán ký sinh.
7. Chiroptophobia (Hội chứng sợ dơi)
Trong khi hội chứng Cynophobia khiến người ta không ra ngoài đường vào ban ngày vì sợ cảnh dắt chó đi dạo, thì người mắc Chiroptophobia sợ dơi tới mức không dám ra khỏi nhà vào ban đêm. Vào thời kỳ ở châu Âu, nếu có một con dơi bay vào nhà thì đồng nghĩa với việc có người sắp chết. Không chỉ vậy, việc hình ảnh của chúng xuất hiện với tần suất lớn trong đêm Halloween cũng khiến nhiều người bị ám ảnh.
Không chỉ mang mầm bệnh, những con dơi còn bị xua đuổi bởi vẻ ngoài xấu xí, đáng sợ. Những người mắc hội chứng Chiroptophobia cũng thường xuyên liên tưởng loài dơi tới ma cà rồng mắt đỏ lè, chuyên hút máu hại người.
8. Melissophobia (Hội chứng sợ ong)
Bất cứ ai từng bị ong chích hoặc đủ nhận thức để biết rằng loài sinh vật này có khả năng tấn công con người thì đều sẽ tự động tránh xa chúng. Đối với hầu hết mọi người, việc bị ong quấy rầy có thể khiến họ hơi khó chịu. Nhưng đối với người mắc hội chứng Melissophobia thì họ sẽ trở nên cực kỳ hoảng loạn nếu phát hiện một hoặc hai con ong đang bay xung quanh.
Trên thực tế, nhiều người bị dị ứng với vết côn trùng đốt và việc bị ong chích có thể khiến họ nguy hiểm đến tính mạng. Số khác không bị dị ứng nhưng từng chứng kiến hoặc nghe kể lại những trường hợp bị ong chích dẫn tới tử vong nên cũng nảy sinh cảm giác sợ hãi, ám ảnh. Nỗi sợ hãi liên quan đến côn trùng là một trong những hội chứng khá phổ biến, nên chẳng có gì lạ khi chúng ta bắt gặp cảnh ai đó la hét và chạy thục mạng khi nhìn thấy ong.
9. Equinophobia (Hội chứng sợ ngựa)
Ngựa không có khả năng đuổi theo ai đó để tấn công như chó và không thể chích như ong, nhưng tại sao lại có người sợ chúng? Cưỡi ngựa là sở thích khá phổ biến và việc từng bị ngã ngựa có thể hình thành nên nỗi sợ hãi. Những cú đá của ngựa có uy lực rất lớn và dễ dàng khiến nạn nhân bị gãy xương.
Giống như con chim sợ cành cây cong, chỉ một lần tổn thương cũng khiến người ta ám ảnh suốt cuộc đời. Vì vậy mỗi khi nhìn thấy một con ngựa, những người mắc Equinophobia thường nhớ tới lần mình bị thương và tự động tránh xa loài sinh vật này.
10. Ostraconophobia (Hội chứng sợ động vật có vỏ)
Đây là nỗi sợ chung đối với các loài động vật như tôm, cua,… Lý do của nỗi sợ này có thể là vì lo ngại bản thân bị ngộ độc thực phẩm. Những người bị dị ứng với động vật có vỏ cũng tránh xa các loài sinh vật này. Tuy nhiên, một số người mắc Ostraconophobia lại thể hiện nỗi sợ mãnh liệt mặc dù họ không hề bị dị ứng.
Tay đua nổi tiếng người Mỹ Denny Hamlin từng bộc bạch về nỗi sợ của mình: “Tôi có một nỗi ám ảnh với tôm hùm. Tôi không biết tại sao, tôi chỉ là không thể yêu thích nổi chúng. Tôi không thể ăn tối nếu ai đó bên cạnh mình đang ăn tôm hùm. Tôi thậm chí không thể nhìn thằng vào nó.”
Comments