Trên thế giới có rất nhiều điều lạ lùng mà con người càng khám phá càng cảm thấy thú vị. Ví như là loài hoa xác thối đi ngược lại với quy luật của tự nhiên khi nó không đẹp cũng chẳng thơm, thậm chí vừa to vừa hôi. Nó xuất hiện với hình dáng to lớn quái dị, sở hữu mùi hương khiến thiên hạ phải “bỏ của chạy lấy người” và cách phát triển cũng rất đặc biệt. Mọi thứ về hoa xác thối đều ẩn chứa sự dị hoặc độc đáo.
Amorphophallus titanum là tên khoa học của hoa xác thối, cái tên đó mang ý nghĩa khá “í ẹ” là: dương vật biến dạng khổng lồ. Loài hoa này chỉ mọc trong tự nhiên ở các khu rừng mưa nhiệt đới thuộc vùng Sumatra, Indonesia. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong các tài liệu ghi chép của nhà thực vật học người Ý Odoardo Beccari vào năm 1878.
Bông hoa mang hương vị của cái chết này được cho là loài hoa có kích thước lớn nhất thế giới, nó có thể cao đến 3m và nặng khoảng gần 100 kg. Hoa có phần nhụy lõi mọc ở giữa mang màu xanh vàng, gọi là bông mo. Nhụy to lớn và cao trên 2m, được bao bởi một cánh lớn xếp từng lớp sóng quanh gọi là mo. Phần dưới đáy mo là hàng trăm bông hoa nhỏ mọc thành một vành đai với hoa đực nằm trên, hoa cái ở phía dưới.
Khi hoa nở rộ thì phần mo sẽ mở ra. lộ diện những cánh hoa màu đỏ sẫm nhung tỏa mùi hôi thối. Phải mất đến tầm 10 năm thì hoa mới nở một lần, cụm hoa nở chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ 24-36 giờ đồng hồ, sau đó lá lẫn hoa sẽ rũ xuống như thể đã chết đi, kết thúc những khoảnh khắc “bốc mùi” nhất sau một thập kỷ tích trữ biết bao năng lượng để “bung xõa”.
Chất dinh dưỡng của hoa được cung cấp từ thân cây có dạng thân hành, rễ thì phình ra thành hình củ. Những năm hoa không nở, chất dinh dưỡng sẽ được truyền cho chiếc lá khổng lồ duy nhất trên thân cây. Cây lá này chỉ sống được 1 năm rồi tàn úa.
Quá trình hoa nở cũng rất đặc biệt, diễn ra theo một quy trình quái lạ. Hoa sẽ nở trong hai giai đoạn trong khoảng hai đêm kế tiếp. Đêm đầu tiên, những con côn trùng ăn xác thối sẽ mang phấn hoa vào đáy cụm hoa, làm phấn hoa rơi trên đám hoa cái. 24 giờ sau vào đêm kế tiếp hoa đực nở. Lúc này mùi của hoa sẽ nhạt bớt dần, phần mo hoa khô đi, những con côn trùng trong hoa sẽ thoát ra, bay đi mang theo phấn của hoa đực rồi tới đậu hoa cái của bông hoa khác.
Màu đỏ thẫm cùng mùi hương của hoa xác thối đã mê hoặc các loài côn trùng đến thụ phấn. Điều đặc biệt là hoa khi nở có nhiệt độ tăng lên trên 36 độ C, giống với mức thân nhiệt ở người; đây này là “chiêu thức” hấp dẫn các loài bọ thường tìm xác động vật chết đến làm tổ. Đó là điểm quyến rũ độc lạ mà chỉ tồn tại ở loài hoa xác thối.
Mùi hương của hoa hội tụ đủ những “tinh hoa” hôi thối của cuộc sống, bao gồm mùi nồng nặc của phân, mồ hôi, tỏi, thịt đang phân hủy và cá thối rữa. Mùi hôi sẽ càng nặng hơn vào ban đêm và nhẹ dần đi khi ánh bình minh ló dạng. Những ai lại gần chiêm ngưỡng vẻ kỳ dị của hoa xác thối sẽ phải choáng váng, bịt mũi và “ngất ngây” với mùi khủng khiếp mà nó mang đến.
Hoa xác thối là loài đặc hữu chỉ mọc tự nhiên ở miền Tây Sumatra nhưng nó đã được các nhà khoa học nhân giống ra toàn thế giới. Năm 1889, hoa được mang đến Vườn thực vật hoàng gia Kew ở Luân Đôn, nước Anh. Từ đó đến nay hoa xác thối có mặt trên toàn Trái Đất, mỗi nơi nó đến và lúc nở hoa đều thu hút đông đảo du khách tò mò, hiếu kỳ tới quan sát vẻ đẹp “quái vật” và ngửi mùi hương tra tấn lỗ mũi đặc trưng của nó.
Là một giống hoa hiếm nở chóng tàn nên hoa xác thối được xếp vào danh sách loài thực vật “dễ bị tổn thương” có nguy cơ tuyệt chủng cao. Vì vậy các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn và nhân giống hoa, giúp hoa phát triển trong môi trường tự nhiên và nhân tạo, để nét đẹp độc dị sẽ tồn tại mãi theo thời gian.
Đọc thêm:
Comments