Chính phủ Ấn Độ có thể sớm cấm PlayerUn Unknown’s Battlegrounds (PUBG) trên di động. Các báo cáo cho thấy lệnh cấm đối với 275 ứng dụng đã bắt đầu được xem xét khoảng một tháng sau khi chính phủ Ấn Độ cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả những ứng dụng phổ biến như TikTok, UC Browser, do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Hôm thứ Hai đầu tuần này, nhà chức trách Ấn Độ cũng đã cấm thêm 47 ứng dụng Trung Quốc khác được cho là bản sao của các ứng dụng bị cấm trước đó. Một số cái tên tiêu biểu bao gồm TikTok Lite, Helo Lite, ShareIt Lite, Bigo Lite và VFY Lite, tất cả đều không còn tìm được trên Google Play Store và Apple Store.
Mặc dù PUBG không chính thức được nêu ra trong danh sách, tựa game nổi tiếng cũng được cho là một mục tiêu tiềm năng.
PUBG là một trong những trò chơi di động phổ biến nhất ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Chỉ riêng ở Ấn Độ, ứng dụng này tự hào có hơn 175 triệu lượt tải xuống.
Ban đầu PUBG đã được phát triển bởi một công ty trò chơi video của Hàn Quốc có tên Bluehole. Tuy nhiên, tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc Tencent nắm giữ một lượng cổ phần đáng kể trong trò chơi nổi tiếng này.
Chính phủ Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm đối với trò chơi thể loại battle royale cũng vì lo ngại bảo mật dữ liệu dựa trên những cáo buộc mới đây khi tựa game này được cho là có liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu với chính quyền Bắc Kinh.
PUBG đã bị chỉ trích nặng nề nhiều lần trong quá khứ nhưng vì những lý do khác. Sau khi nhận được một vài lời phàn nàn từ phụ huynh và người giám hộ, một số chính quyền tiểu bang trên toàn Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với game hành động này vì bản chất gây nghiện của nó có tác động đến tâm lý đối với người chơi.
Sau khi nhận được các phản ứng trái chiều, đội ngũ phát triển PUBG sau đó đã có phương án ghi nhận ý kiến phụ huynh, nhà giáo dục và tổ chức chính phủ để tạo ra một hệ sinh thái an toàn giúp nâng cao trải nghiệm chơi trò chơi.
Quốc gia láng giềng Ấn Độ là Pakistan cũng đã cấm PUBG vào đầu tháng này với lý do gây nghiện của trò chơi đã gây bất lợi cho sức khỏe của người chơi. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 7, một tòa án Pakistan đã dỡ bỏ lệnh cấm.
Comments