Bệnh nhân mắc phải hội chứng Agoraphobia sẽ biểu lộ sự sợ hãi khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sợ nơi công cộng có nhiều người; ước tính có khoảng 5% dân số nước Mỹ mắc chứng Agoraphobia.
Theo tiếng Hy Lạp, Agoraphobia nghĩa là sợ không gian họp chợ, nữ giới có khả năng mắc bệnh này cao hơn gấp hai lần so với nam giới. Điểm đặc trưng của hội chứng bệnh: bệnh nhân thường bị lên cơn hoảng loạn, cảm thấy như mình bị mắc kẹt, không tìm thấy lối thoát khi ở nơi công cộng, đông đúc hay giao tiếp ở môi trường xa lạ.
Dưới đây là những đặc điểm về Agoraphobia – nỗi khiếp sợ với thế giới bên ngoài, về cuộc sống của những người chỉ muốn cách ly chính bản thân trong vỏ bọc riêng.
Agoraphobia đến một cách tự nhiên, không có cảnh báo
Agoraphobia được cho là căn bệnh tạo ra từ các yếu tố di truyền và tác động của môi trường. Hội chứng bệnh thường xảy ra với những người từng trải qua sự kiện căng thẳng, nỗi đau mất người thân hay bị tấn công gây tổn thương đến tâm lý.
Thông thường cácloại bệnh tật lúc bắt đầu thường có dấu hiệu để nhận biết, phòng ngừa nhưng hội chứng Agoraphobia thì khác, nó đến rất bất ngờ, thường tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 25 -35. Kiểu như vào một ngày kia, bạn đang đi bộ trên đường thì đột nhiên cảm thấy sợ hãi với mọi người xung quanh, lúc đó Agoraphobia đã đến và ám ảnh bạn suốt quãng đời còn lại.
Bệnh nhân cảm thấy bản thân như sắp chết
Người bệnh mắc Agoraphobia sẽ trải qua cảm giác hoảng loạn, lo âu mãnh liệt. Sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như tim đập nhanh, đau ngực, chóng mặt, buồn nôn và run rẩy tay chân khi tiếp xúc nơi đông người trên các phương tiện công cộng, địa điểm lộ thiên (công viên, bến xe,…), không gian đóng kín (siêu thị, rạp chiếu phim,…) hay chính bên ngoài căn nhà của bệnh nhân.
Người bệnh sẽ đổ mồ hôi, mệt mỏi và cảm giác như bản thân không thể cử động, như hóa đá khi ở nơi công cộng. Một số bệnh nhân khi va chạm vào người khác sẽ bị ngất hoặc rơi vào trạng thái Catatonia, hội chứng căng trương lực, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển bình thường của con người khiến họ bị sững sờ bất động hoặc có hành vi bạo lực quá mức.
Não bộ bị tổn thương và phản ứng như thể bệnh nhân đang bị truy đuổi
Khi hội chứng Agoraphobia bắt đầu xảy ra, bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng và hoang mang không biết tại sao bản thân lại rơi vào tình trạng này. Não bộ sẽ tác động, hình thành nên những suy nghĩ sợ hãi khiến bệnh nhân chỉ muốn chạy thoát khỏi đám đông, cảm thấy mọi thứ xung quanh đều là mối đe dọa uy hiếp đến tính mạng của họ.
Khao khát sự an toàn
Bệnh nhân bị Agoraphobia sẽ hình thành vô số sự lo lắng về việc đi ra ngoài, thoát khỏi căn nhà, nơi trú ẩn của họ. Não bộ của người bệnh sẽ hình thành các câu hỏi về việc ra ngoài có an toàn không, có nguy hiểm gì đang rình rập xung quanh?
Những điều đó khiến người bệnh bị thụ động, chỉ muốn được an toàn và ở nhà không tiếp xúc với xã hội trong thời gian dài. Một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể ở nguyên trong nhà hằng năm trời, sống kiếp “trạch nam, trạch nữ” suốt đời.
Chính khao khát cảm giác an toàn tạo nên hành vi né tránh với môi trường, xã hội bên ngoài đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi của bệnh nhân, khiến họ rơi vào trầm cảm và để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn cuộc sống.
Hạn chế các mối quan hệ xã hội
Bệnh nhân bị Agoraphobia luôn trong trạng thái hoang mang, sợ hãi và thường mặc cảm, tự tin về điều này. Họ thường cảm thấy xấu hổ và cho bản thân là kỳ dị, ngớ ngẩn hoặc hèn nhát trong việc tiếp xúc với mọi người. Do đó, họ ít chia sẻ với người khác vấn đề của mình mà thay vào đó sẽ tìm đủ lý do để không phải đi ra khỏi nhà.
Điều đó dẫn đến các mối quan hệ xã hội, khả năng giao tiếp của người bệnh đều bị hạn chế, mất dần bạn bè, người thân xung quanh mình. Khi bệnh nhân lâm vào tình trạng phát tác bệnh, trở nên hoảng loạn khó thở thì những người thân sẽ lo lắng, hỏi han họ. Sự quan tâm đó khiến người bệnh cảm thấy tồi tệ, sợ hãi hơn vì vậy mà họ rất ít khi ra ngoài, tiếp xúc với người khác và thường có xu hướng giấu bệnh.
Xác định xây dựng cuộc sống “ở nhà vẫn vui”
Một số người bệnh xác định sống cùng căn bệnh Agoraphobia và tự nhốt mình trong nhà, họ tự tìm thấy niềm vui riêng trong vỏ bọc an toàn của mình. Lúc đó, họ sẽ thoải mái làm những điều họ muốn, chăm sóc bản thân, nhà cửa, tự học, làm việc online và tìm thấy thành công trong cuộc sống.
Trên thực tế, có nhiều người nổi tiếng đã mắc chứng Agoraphobia như Jemma Pixie Hixon, cô ca sĩ người Anh nổi tiếng với những bài hát trên Youtube.
Phương pháp điều trị cho bệnh nhân Agoraphobia
Người bệnh có thể dùng các loại thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRI, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin SNRI để giảm thiểu các triệu chứng lo âu, sợ hãi. Bên cạnh đó người mắc Agoraphobia phải phối hợp điều trị thuốc với tư vấn tâm lý cùng bác sĩ. Khả năng hồi phục của bệnh nhân phụ thuộc vào quá trình điều trị, sự kiên nhẫn, nỗ lực ở mỗi người.
Người bệnh cần tự giáo dục bản thân, như học cách điều chỉnh những ám ảnh về việc mất an toàn khi ở nơi đông người, đối mặt với cảm xúc lo âu, sợ hãi. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách chia sẻ với gia đình, bạn bè về bệnh tật của mình, tìm kiếm chuyên gia bác sĩ để nhận được phương pháp điều trị thích hợp.
Đọc thêm:
Comments