Anubis – thường xuất hiện dưới hình dạng một chú chó đen hoặc một người đàn ông lực lưỡng với đầu chó đen, là vị thần Ai Cập cổ đại cai quản toàn bộ những khía cạnh liên quan đến cái chết. Thần theo dõi quá trình ướp xác, bảo vệ mồ mả người chết, và phán xét linh hồn con người ở thế giới bên kia.
Kỳ lạ thay, một nền văn minh nổi tiếng với việc thờ mèo lại để một vị thần khuyển làm hiện thân của cái chết.
Nguồn gốc Anubis – Vị thần khuyển Ai Cập
Các sử gia tin rằng ý niệm về Anubis đã xuất hiện vào Thời kỳ Sơ Triều đại của Ai Cập (6000 – 3150 TCN), khi hình ảnh đầu tiên của ông xuất hiện trên những vào Triều đại đầu tiên của Ai Cập, khi nhóm Pharaoh đầu tiên thống nhất và cai trị vùng đất này.
Một điều thú vị là cái tên Anubis thực chất lại là tiếng Hy Lạp. Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ, vị thần này thực chất mang tên Anpu hoặc Inpu, gần giống với từ mang nghĩa “người con hoàng tộc” và động từ “suy nhược, mục rữa”. Anubis còn được biết dưới cái tên Imy-ut, dịch nôm na là “Đấng thuộc cõi Tẩm liệm”, và nub-tA-djser, mang nghĩa “Chúa vùng đất Thánh”.
Nhìn chung, chỉ riêng việc phân tích những cái tên thôi cũng đủ cho ta thấy Anubis là một vị thần thuộc hoàng tộc và có liên quan đến cõi chết.
Hình ảnh của Anubis có lẽ đã được suy diễn từ việc chó hoang hay chó rừng thường đào bới xác người vừa được chôn cất. Chính vì vậy mà hình ảnh loài chó được gắn liền với khái niệm cái chết. Anubis cũng thường bị nhầm lẫn với Wepwawet – một vị thần có hình dạng chó rừng.
Phần đầu của Thần thường là màu đen, tượng trưng cho màu của sự úa tàn hoặc màu đất sông Nile theo người Ai Cập cổ. Vì vậy, biểu tượng Anubis thường xuất hiện với màu đen và những vật liên quan đến cái chết như băng quấn xác ướp.
Anubis đảm nhiệm nhiều vai trò trong quá trình một sinh linh chết đi và trở thành người chết. Đôi khi Thần dẫn lối những linh hồn đến thế giới bên kia, đôi khi Thần quyết định số phận của họ, và đôi khi Thần chỉ đơn giản là bảo vệ một thi hài.
Và như vậy, Anubis được biết đến như một vị thần của cái chất, vị thần tẩm liệm, và vị thần dẫn dắt những linh hồn lưu lạc.
Những truyền thuyết và biểu tượng của Anubis
Nhưng đến Triều đại thứ Năm của Ai Cập vào thế kỷ 25 TCN, một vị thần khác liên quan đến cái chết lại trở nên nổi bật hơn cả: Thần Osiris. Vì vậy mà Anubis đã mất đi danh hiệu , và truyền thuyết về căn nguyên của Thần cũng bị thay đổi, biến Thần thành thuộc hạ của vị thần da xanh Osiris.
Trong phiên bản mới của truyền thuyết, Osiris đã cưới người chị xinh đẹp của mình là Isis. Người chị em song sinh của Isis, Nephthys, thì cưới người anh trai Set – vị thần của chiến tranh, sự hỗn loạn, và bão tố.
Tương truyền rằng Nephthys không thực sự yêu chồng mình mà lại đem lòng thương Osiris, vị thần quyền lực hơn. Nàng đã giả dạng thành Isis để quyến rũ thần Osiris.
Tuy rằng Nephthys được cho là vô sinh, cuộc tình này vẫn cho ra đời một đứa trẻ. Nephthys hạ sinh Anubis, nhưng sợ rằng chồng mình sẽ nổi cơn thịnh nộ nên đã bỏ đứa trẻ đi.
Khi Isis biết được về cuộc tình này cũng như về đứa trẻ ngây thơ vô tội bị bỏ rơi, nàng đã đi tìm và nhận nuôi Anubis. Đáng tiếc thay, Set cũng biết chuyện và đã trả thù bằng cách chặt lìa cơ thể của Osiris thành nhiều mảnh và ném xuống sông Nile.
Anubis, Isis, và Nephthys cố gắng tìm lại những bộ phận cơ thể của Osiris, cuối cùng tìm được gần như toàn bộ, chỉ thiếu một phần. Isis ghép lại cơ thể của chồng mình, và Anubis tìm cách bảo quản thi thể. Và từ đây, Anubis đã tạo tiền đề cho phương pháp ướp xác nổi tiếng của Ai Cập và được mệnh danh là thần bảo hộ của những người tẩm liệm.
Nhưng theo phần sau của truyền thuyết, Set vô cùng phẫn nộ khi biết được chuyện cơ thể của Osiris đã được ghép lại. Set tìm cách biến cơ thể mới này thành một con báo, nhưng Anubis đã bảo vệ cha mình bằng cách dùng thanh sắt nóng khắc ấn lên da của Set. Tương truyền rằng đây chính là lý do mà loài báo có đốm.
Sau khi đánh bại Set, Anubis đã lột da Thần và khoác lên mình như một lời cảnh cáo đến những kẻ dám mạo phạm đến những nấm mồ thiêng của người chết.
Theo nhà Ai Cập học Geraldine Pinch, “Vị thần chó rừng đã ban chỉ rằng tất cả những thầy tế đều phải khoác da báo để tưởng niệm chiến thắng của Thần.”
Sau sự kiện này, thần Ra – vị thần mặt trời của Ai Cập cổ – đã hồi sinh Osiris. Tuy nhiên, Osiris không thể làm vị thần của sự sống như trước nữa mà trở thành vị thần cai quản cõi âm, thay thế Anubis.
Vị thần bảo hộ người đã khuất
Tuy rằng Osiris đã tiếp quản vị trí vua cõi âm của Ai Cập, Anubis vẫn đóng vai trò không hề nhỏ trong thế giới của những người đã khuất. Người mang danh là vị thần của sự ướp xác – quá trình bảo quản thi thể nổi tiếng tại Ai Cập cổ đại.
Anubis quàng một tấm khăn quanh cổ, là biểu tượng của sự bảo hộ bởi các nữ thần và cũng tượng trưng cho quyền năng bảo hộ của chính Anubis. Người Ai Cập cho rằng chó rừng sẽ giúp bảo vệ những thi thể đã chôn cất khỏi những loài ăn xác thối. Anubis cũng sẽ trừng phạt những kẻ cướp mộ – một trong những tội danh nặng nhất tại Ai Cập cổ đại.
Còn đối với những người tốt và tôn trọng người đã khuất, Anubis sẽ bảo hộ và ban cho họ một cuộc sống bình yên và hạnh phúc ở thế giới bên kia.
Vị thần này còn được cho là tinh thông ma thuật. Theo lời của Pinch, “Anubis là vị thần bảo hộ của vô vàn bí thuật.” Thần còn được cho là đã yểm bùa những lăng mộ Ai Cập cổ, như lăng mộ Tutankhamun, khiến các nhà khảo cổ muốn khai quật nơi đây bị ám ảnh lâu dài bởi .
Lễ cân tim
Một trong những vai trò quan trọng của Anubis là thực hiện lễ cân tim, nơi linh hồn của người đã khuất sẽ được phán xét. Lễ này được thực hiện sau khi thi thể đã được thanh tẩy và ướp xác.
Đầu tiên, linh hồn sẽ vào Đại sảnh Phán xét và tuyên bố sự trong sạch của mình với 42 đại tội, rồi gột rửa tội lỗi của mình trước những vị thần: Osiris, Ma’at – nữ thần của công lý và chính nghĩa, Thoth – vị thần của văn tự và kiến thức, 42 thẩm phán, và đương nhiên cũng có Anubis – vị thần của cái chết.
Người Ai Cập cổ tin rằng trái tim là nơi chứa đựng tất cả cảm xúc, trí tuệ, ý chí và nhân cách của con người. Và trái tim phải được phán xét là trong sạch thì linh hồn mới được đến thế giới bên kia.
Dùng chiếc cân vàng, Anubis sẽ cân quả tim của một người với lông đà điểu – vật tượng trưng cho Ma’at. Nếu quả tim nhẹ hơn lông, linh hồn người này sẽ được đưa đến Cánh đồng Sậy – nơi mà linh hồn có thể sống bất diệt và bình an.
Nhưng ngược lại nếu quả tim nặng hơn lông, biểu hiện cho một con người đầy tội lỗi, quả tim sẽ bị Ammit – nữ thần của sự trừng phạt, nuốt chửng, và người này sẽ mãi bị lưu đày và chịu vô vàn sự trừng phạt.
Lễ cân tim xuất hiện rất nhiều trên những bức tường trong các lăng mộ, và được minh họa rõ nhất trong Quyển sách của Cái chết cổ đại.
Khuyển mộ
Vai trò của Anubis quan trọng đối với người dân đến nỗi những đền thờ ông được xây dựng khắp nơi tại Ai Cập. Tuy nhiên, khác với những nơi thờ thần thông thường, những “đền thờ” Anubis đa phần là lăng mộ và nghĩa trang.
Và không phải lăng mộ thờ thần nào cũng chứa chỉ thi thể người. Vào Triều đại đầu tiên của Ai Cập cổ, người ta tin rằng những loài động vật linh thiêng đại diện cho các vị thần chính là hiện thân của họ. Và từ đó ra đời vô vàn Khuyển Mộ – những hệ thống đường hầm chứa gần tám triệu xác ướp chó và những loài thuộc họ chó, như chó rừng và cáo, nhằm thờ vị thần của cái chết Anubis.
Đa phần những chú chó này đều là chó con, và đều bị mang đi làm vật hiến tế khi chỉ mới vài giờ tuổi. Những chú chó lớn hơn sẽ được tẩm liệm chu đáo và đặt trong hòm gỗ, có lẽ là quà biếu từ những giàu có.
Những chú chó này được dâng lên Anubis nhằm mong được nhận sự bảo hộ của thần ở thế giới bên kia.
Nhiều bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy rằng, những khuyển mộ này là một phần quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập cổ tại vùng Saqqara. Những thương gia làm giàu bằng cách buôn bán tượng thần, và những người chăn nuôi động vật gây giống chó để ướp xác dâng lên thần.
Vật thờ thần Anubis
Tuy rằng ta đã tìm hiểu được khá nhiều về vị thần này, vẫn còn những bí ẩn cho đến nay chưa được giải mã. Một ví dụ là mục đích của vật thờ Imiut – biểu tượng gắn liền với thần Anubis.
Vật thờ này được tạo nên từ một bộ lông thú không đầu được nhồi và treo đuôi lên một cây sào, sau đó buộc một bông sen lên đầu sào. Chúng thường được đặt trong những ngôi mộ vua và , trong đó có vị vua trẻ Tutankhamun.
Vì những vật này thường được tìm thấy tại các nấm mồ hay lăng mộ nên chúng được gán cho cái tên Vật thờ Anubis và được cho là một loại đồ biếu để dâng lên vị thần này.
Tuy vẫn còn nhiều bí ẩn xoay quanh vị thần này, một điều chắc chắn là Anubis nắm giữ vai trò rất quan trọng trong việc làm dịu đi mối lo âu của người Ai Cập cổ về cuộc sống sau cái chết.
Comments