Vào lúc đại dịch COVID-19 đang trở thành mối lo ngại với toàn thế giới, thì con người chúng ta phải càng trở nên thận trọng hơn và trang bị nhiều biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay. Cộng đồng mạng cũng đã truyền tay nhau những bài viết, video hướng dẫn rửa tay đúng cách trên nền nhạc Happy Birthday. Rửa tay vốn là một hành động đơn giản, song nó lại đóng vai trò rất lớn trong việc phòng chống và ngăn ngừa các loại virus gây bệnh như COVID-19.
Dù là một bước quan trọng không thể thiếu trong việc bảo vệ sức khỏe, nhưng vào khoảng một thế kỷ trước, nhân loại lại vô cùng xem nhẹ việc rửa tay. Vào những năm 1800, các y bác sĩ thậm chí còn không rửa tay sau khi giải phẫu xác chết và còn dùng chính đôi tay đó để ẵm bồng trẻ sơ sinh. Vậy nhân tố quan trọng nào đã khiến việc rửa tay thiết quan trọng đến mức mà người ta phải căn dặn nhau hằng ngày, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát như hiện nay?
Con người bắt đầu nhận thức về việc phải vệ sinh tay vào khoảng vài nghìn năm về trước ở những cộng đồng theo đạo Hồi, Do Thái,… Song, việc rửa tay phòng ngừa bệnh truyền nhiễm chỉ mới được nhìn nhận trong giới y học trong vòng 130 năm trở lại đây. Vào năm 1848, một phát hiện động trời đã biến việc rửa tay trở thành một phần tất yếu có thể cứu được mạng người.
Miryam Wahrman, giáo sư thuộc chuyên ngành sinh vật học tại trường đại học William Paterson, đồng thời là tác giả của cuốn sách The Hand Book: Surviving in a Germ-Filled World, cho rằng người phát hiện ra tầm ảnh hưởng của việc rửa tay chính là Ignaz Semmelweis. Trong lúc làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienna, vị bác sĩ người Hungary này chính là người tiên phong trong việc tìm ra cách khoa học nhất để tiếp cận y khoa. Lúc này, các bác sĩ là người phụ trách chính tại khoa sản, song tỷ lệ tử vong mẹ và nhiễm trùng sau sinh lại tăng cao hơn so với lúc các bà mụ tham gia đỡ đẻ. Điều này khiến cho vị bác sĩ phải trăn trở và bước vào hành trình tìm ra nguyên nhân đằng sau.
Người ta đã bắt đầu nhận thức được về vi khuẩn từ rất lâu trước kia, nhưng trong những năm 1840, đa số đều cho rằng vi khuẩn chỉ đến từ khí độc, mùi hôi thối, xác chết, rau củ thối rữa, chất thải. Những người sống dưới thời nữ hoàng Victoria lúc bấy giờ chỉ đóng chặt cửa sổ trong trường hợp nghe phải những mùi kinh khủng như trên. Thế nên, việc các bác sĩ thực tập tại bệnh viện đa khoa Vienna đi vòng quanh nhà xác, sau đó lại thản nhiên đi ra ngoài và bước vào phòng sản phụ chăm bẵm những em bé sơ sinh mà không rửa tay, vốn không phải là vấn đề to tác gì lắm ở thời điểm đó.
Cho đến một hôm, một trong những bác sĩ cắt phạm vào tay của mình bằng dao mổ trong lúc thực hiện phẫu thuật và qua đời, với triệu chứng tương tự như những sản phụ bị nhiễm trùng máu. Semmelweis sau đó đã đặt ra giả thuyết rằng chính vì vi khuẩn đã bám vào tay của các bác sĩ khi họ làm việc ở nhà xác, nên khi họ đỡ đẻ cho các sản phụ, vi khuẩn đã xâm nhập vào trong cơ thể họ vào lúc đó và gây tử vong.
Để chứng minh giả thuyết của mình là đúng, Semmelweis đã yêu cầu các bác sĩ rửa tay và ngâm dụng cụ phẫu thuật vào dung dịch Clo, cho rằng nó có thể giúp làm giảm bớt mùi khó chịu. Được biết, tỷ lệ tử vong mẹ trước khi áp dụng việc vệ sinh tay và khử trùng dụng cụ là 18%. Sau khi thủ tục rửa tay được áp dụng, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1%.
Dù đây là một phát kiến vĩ đại giúp cứu sống được rất nhiều mạng người, song nó vẫn bị bác bỏ và Semmelweis mất việc. Vì thoái chí và chán nản, ông đã suy sụp và qua đời ở tuổi 47 trong lúc mắc phải bệnh tâm thần.
Tomes cho rằng những y bác sĩ bác bỏ tầm quan trọng của việc rửa tay đều không nhận thức được bản thân họ chính là những chiếc đĩa petri di động (loại cạn giúp cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm). Thậm chí, họ còn phẫn nộ khi bị cho rằng chính họ là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng. Đa số những bác sĩ ở Vienna lúc bấy giờ đều có xuất thân ở tầng lớp thượng lưu, nên họ tự cho rằng bản thân mình vốn đã sạch sẽ hơn rất nhiều so với những người ở tầng lớp lao động. Họ cảm thấy bị xúc phạm nếu như có ai đó cho rằng tay họ bẩn.
Vào khoảng 40 năm sau đó, tầm hiểu biết của con người về vi khuẩn cũng được nhân rộng hơn, kéo theo đó là tầm quan trọng của việc rửa tay và khử trùng. Louis Pasteur đã nâng cao nhận thức của con người về mầm bệnh và cách để tiêu diệt chúng ở nhiệt độ cao. Năm 1876, nhà khoa học người Đức Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn than, khởi đầu cho lĩnh vực nghiên cứu mới trong ngành vi khuẩn học. Trực khuẩn dịch tả, lao phổi, bạch hầu và thương hàn cũng lần lược được nhìn nhận trong y học.
Các y bác sĩ cũng bắt đầu chấp hành việc rửa tay như việc bắt buộc phải làm trong khoảng những năm 1890 và đầu những năm 1900. Dần dà, việc vệ sinh tay sạch sẽ không chỉ là trách nhiệm của các bác sĩ, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Một nữ điều dưỡng tên là Florence Nightingale đã giúp mọi người hiểu được mối liên kết giữa việc giữ vệ sinh và bảo vệ sức khỏe. Bà chính là người đã cải thiện tình trạng vệ sinh trong các bệnh viện quân đội trong thời kỳ chiến tranh ở bán đảo Grym. Sau khi quay trở lại Châu Âu, việc này đã trở thành một tác động lớn, một cuộc cách mạng trong ngành điều dưỡng.
Những chiến dịch liên quan đến sức khỏe bắt đầu nở rộ khi bệnh lao phổi đang trở thành mối lo ngại. Koch cho biết bệnh lao phổi không chỉ lây lan theo hệ di truyền, mà còn có thể lây qua giọt bắn của nước bọt. Chiến dịch chống lao phổi nhắm đến không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn. Thời điểm này có rất ít trẻ em được dạy rằng phải rửa tay và vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa dịch bệnh.
“Mọi người sợ hãi việc bắt tay và hôn nhau khi họ hiểu được rằng môi, da và tóc của họ có đầy vi khuẩn.”
Cũng từ lúc đó, đàn ông bắt đầu hạn chế việc nuôi râu và người ta cũng bắt đầu bọc thức ăn thành từng gói riêng lẻ để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, việc tuyên truyền các biện pháp giữ vệ sinh sạch sẽ, cùng với sự phát triển của các loại vaccine và kháng sinh đã làm tỷ lệ tử vong bởi dịch bệnh giảm đáng kể.
Song, kỷ nguyên sạch sẽ này lại không trụ được lâu. Do ảnh hưởng của Thế chiến thứ II, việc giữ vệ sinh hằng ngày dần dà không còn là mối quan tâm hàng đầu như trước. Cho đến những năm 1970, một loại bệnh truyền nhiễm mới bắt đầu bùng phát, khiến cho mọi người bắt đầu quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân nhiều hơn, dù đây là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (HIV).
Trước khi dịch Corona bùng phát, con người chúng ta vẫn chưa thực sự quan trọng việc rửa tay. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2009 trong American Journal of Infection Control cho thấy 63% nữ giới rửa tay sau khi tiểu tiện, còn nam giới chỉ chiếm 43%. Sau khi đi đại tiện, 84% nữ giới và 73% nam giới rửa tay. Trước khi ăn, chỉ có 10% nữ giới và 7% nữ giới rửa tay, dù ăn uống vốn là hoạt động yêu cầu chúng ta phải giữ vệ sinh sạch sẽ.
Một nghiên cứu khác tại Đại học phía Đông bang Tennessee vào năm 2007 cũng chỉ ra rằng chỉ có khoảng 54% nhân viên bệnh viện rửa tay sau khi thăm các bệnh nhân tại khu chăm sóc tích cực (ICU). Có 90% các nhân viên làm ở khu chăm sóc tích cực cho trẻ em rửa tay thường xuyên khi thăm khám, khác với khu dành cho người lớn chỉ có khoảng 35%. Chỉ sau khi có sự can thiệp và đào tạo bài bản, thì con số này mới tăng lên đến 81%.
Vậy tóm lại, việc rửa tay có tầm ảnh hưởng như thế nào? Petra Klepac, phó giáo sư phụ trách mô phỏng bệnh truyền nhiễm tại London School of Hygiene & Tropical Medicine, cũng đã tìm câu trả lời cho việc này vào năm 2018 khi dự đoán rằng sẽ có một đại dịch cúm mới bùng phát ở Châu Âu trong phim tài liệu Contagion! The BBC Four Pandemic. Bà cho biết nhóm của bà cũng đã phát hiện ra được rằng nếu bạn rửa tay nhiều hơn bình thường từ 5 đến 10 lần, bạn có thể giảm khả năng nhiễm bệnh xuống chỉ còn 1/4.
Có một điều bạn nên làm lúc này để giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, Việc này không tốn kém quá nhiều mà lại vô cùng đơn giản: rửa tay bằng xà phòng. Hãy rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào mắt, mũi, môi của bạn. Đây chỉ là một việc làm nhỏ thôi, nhưng nó mang lại sự thay đổi vô cùng lớn.
Comments