in

Đưa ra ánh sáng những nhân vật lịch sử bị bao thế hệ hiểu nhầm tai hại

Đối với các nhân vật lịch sử dưới đây, bạn có thể đã nghe câu chuyện về họ hoặc ít nhất là biết đến hình tượng của họ thông qua phim ảnh, sách truyện. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đã bị chỉnh sửa và xuyên tạc suốt nhiều năm. Sự thật đằng sau không hoàn toàn giống với những gì chúng ta tưởng tượng.

1. Pocahontas

Tượng Pocahontas tại Gravesend, Anh Quốc. (Ảnh: Geograph)

Qua bộ phim của Disney, Pocahontas trở thành một trong những nhân vật bị xuyên tạc nhất lịch sử. Cô sinh năm 1596 với tên gọi Amonute và có một tên khác là Matoaka. Pocahontas được cho là biệt danh của cô, có thể mang ý nghĩa là “đứa trẻ nghịch ngợm” hoặc “đứa trẻ xấu tính”. Pocahontas là con gái của Powhatan, người cai trị hơn 30 bộ lạc nói tiếng Algonquian trong và xung quanh khu vực mà những người Anh định cư ban đầu gọi là Jamestown, Virginia.

Theo những dòng lưu ký được Thuyền trưởng John Smith viết lại, Pocahontas đã cứu anh ta khỏi bị hành quyết khi anh bị bắt chỉ vài tuần sau khi thực dân đến khu vực này. Các học giả hiện đại tin rằng cô có thể đảm nhiệm một vai trò nào đó trong các nghi lễ nhận con nuôi. Khi căng thẳng giữa hai dân tộc gia tăng, Pocahontas bị người châu Âu bắt và bỏ tù. Trong thời gian này, cô đã chuyển sang đạo Cơ đốc.

Theo các tài liệu chính thức, việc cải đạo là tự nguyện và tên rửa tội của cô là Rebecca. Trái với suy nghĩ của nhiều người, cô kết hôn với một nông dân trồng thuốc lá tên là John Rolfe. Pocahontas chết vì bạo bệnh vào năm 1617, sau một chuyến đi tới Anh.

2. Cleopatra

Phần lớn những gì được coi là kiến ​​thức phổ thông về Cleopatra đến từ các tài liệu tuyên truyền của La Mã cổ đại và vở kịch Antony and Cleopatra của Shakespeare. Người La Mã khắc họa bà với hình ảnh một người phụ nữ tàn nhẫn và chuyên đi quyến rũ nam giới. Bà đã thao túng các tướng lĩnh La Mã hùng mạnh là Julius Caesar và Mark Antony vì cần họ giết anh chị em của mình để củng cố quyền thống trị của bà tại Ai Cập. Shakespeare cũng miêu tả cuộc sống của bà một cách hời hợt và lãng mạn hóa mối quan hệ của bà với Mark Antony.

Ảnh: Flickr

Thực ra, Cleopatra trở thành người trị vì của đế chế Ai Cập khi chỉ mới 18 tuổi. Luật pháp Ai Cập quy định rằng những nữ lãnh tụ phải kết hôn với một người đồng nhiếp chính để cùng cai trị đất nước, điều này buộc Cleopatra phải kết hôn theo nghi thức với em trai 12 tuổi của mình. Nhưng thực ra, trong hai người thì bà là người có quyền lực hơn và là người điều hành Vương quốc.

Bà thông thạo Toán học và Triết học, là một nhà ngoại giao tài ba và là Pharaoh đầu tiên nói tiếng Ai Cập của dân thường. Cleopatra cũng đưa Ai Cập thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế gây ra bởi những quyết định sai lầm của người tiền nhiệm và cũng tích lũy được một khối tài sản lớn, không phải cho bản thân mà cho toàn bộ đế chế Ai Cập. Mặc dù bà từng có mối quan hệ với Julius Caesar và Mark Anthony, nhưng những mối quan hệ đó được hình thành dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

3. Alexander Graham Bell

Trong suốt nhiều thập kỷ, Alexander Graham Bell được thế giới ca tụng nhờ phát minh ra điện thoại. Nhưng vào năm 2002, Quốc hội Hoa Kỳ đã công nhận Antonio Meucci, một người nhập cư Ý nghèo khó, là nhà sáng chế thực sự của phát minh này.

Antonio Meucci và Alexander Bell. (Ảnh: The Cape Breton Spectator)

Theo như những gì thật sự xảy ra, Meucci đã tạo ra nguyên mẫu của một chiếc điện thoại có thể hoạt động trước Bell 5 năm, nhưng lại không đủ khả năng chi trả 250 USD để nhận bằng sáng chế cuối cùng cho “máy liên lạc giọng nói” của mình. Vì vậy vào năm 1871, ông đã nộp một thông báo gia hạn bằng sáng chế một năm. Nhưng 3 năm sau, ông thậm chí không có nổi 10 USD để gia hạn.

Khi đề nghị Western Union trả lại mô hình và chi tiết kỹ thuật cho mình vào năm 1874, Meucci được cho biết chúng đã bị thất lạc. Hai năm sau, Bell, người dùng chung phòng thí nghiệm với Meucci, đã nộp bằng sáng chế cho điện thoại và trở nên vô cùng nổi tiếng. Đáng buồn thay, có vẻ như Bell không xứng đáng với danh tiếng và sự ngợi ca mà ông nhận được từ công chúng.

4. Marie Antoinette

Marie Antoinette là biểu tượng cho sự suy đồi của giới thượng lưu Pháp. Vào thời điểm bị hành quyết, bà đã bị coi là một người phụ nữ phù phiếm, ích kỷ và vô đạo đức với lối sống xa hoa đã làm cho nạn bất bình đẳng kinh tế trở nên nặng nề hơn. Đây là những gì người ta nhớ về bà. Tuy nhiên không phải tất cả những lời chỉ trích đều đúng.

Trước hết, câu nói nổi tiếng “Hãy cho họ ăn bánh” không phải của Marie Antoinette. Đó là cụm từ mà người Pháp gán cho các nữ hoàng nước ngoài trong suốt nhiều thập kỷ. Ngoài ra, mặc dù mang tiếng là phù phiếm và sống xa hoa vô độ, bà lại thích ăn mặc xuề xòa. Cùng với người thợ may của mình, Marie Antoinette đã thiết kế ra chiếc váy Little White Dress (trong hình), khiến mọi người sửng sốt vì sự giản dị của nó. Trớ trêu thay, Little White Dress lại trở thành mẫu trang phục yêu thích của phụ nữ Cách mạng Pháp vì vẻ đơn giản của chiếc váy.

Điều quan trọng nhất là mặc dù Marie Antoinette chẳng phải là một người hoàn toàn tốt đẹp, nhưng việc chi tiêu của bà không phải nguyên nhân gây ra các vấn đề kinh tế của Pháp. Văn hóa xa hoa vô độ ở Versailles là thứ mà bà bước chân vào chứ không phải do bà tạo ra, và bà cũng không đưa nó đến mức cực đoan như các hoàng thân khác đã làm.