Mata Hari tên thật là Margeratha Geertruida, sinh năm 1876 tại Hà Lan trong một gia đình khá giả. Năm 1889, việc làm ăn trở nên khó khăn thua lỗ, cha của Mata bỏ rơi mẹ con cô để đi theo người phụ nữ khác. Hai năm sau, mẹ cô cũng lâm bệnh mà qua đời, người đẹp phải sinh sống tại ký túc xá của trường học.
Với nhan sắc quyến rũ, không ít chàng trai theo đuổi với mong muốn giành được trái tim Mata Hari. Ngay cả hiệu trưởng trường học cũng để mắt đến cô và từng nhiều lần biến cô thành “đồ chơi” của mình. Chán nản với việc yêu đương thoáng qua, mỹ nhân muốn tìm một người đàn ông tử tế để lập gia đình. Mata Hari đã viết thư hồi đáp một mẩu tin quảng cáo của Đại úy Rudolf Macleod, 39 tuổi đang tìm “một người vợ dễ tính”.
Đại úy là một chức vị không hề thấp tại thời điểm bấy giờ, họ thường sống trong những ngôi nhà lớn và có người hầu hạ. Mata Hari hy vọng kết hôn với Rudolf sẽ giúp cô đổi đời. Chỉ sau một tuần kể từ lần đầu gặp mặt, cả hai đã tiến tới hôn nhân vào tháng 7/1895. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng không phải là màu hồng như cô mơ mộng.
Đại úy Rudolf không giàu có như cô vẫn tưởng tượng, thực tế ông còn chìm trong nợ nần. Chưa hết, chồng của Mata còn có thói trăng hoa, ngoại tình với nhiều phụ nữ. Cả hai có với nhau một bé trai và một bé gái nhưng con cái không khiến bản tính của Đại úy Rudolf thay đổi. Mata còn nhận tin dữ rằng mình đã lây bệnh giang mai từ người chồng hay lăng nhăng này. Con trai đầu lòng của cả hai cũng bị lây bệnh và qua đời khi mới 2 tuổi.
Năm 1902, cặp đôi quyết định ly hôn, Mata cố giành quyền nuôi con gái nhưng yêu cầu của cô không được chấp nhận vì điều kiện kinh tế không thể đáp ứng. Hai năm sau, người đẹp quyết định tới Paris kiếm kế sinh nhai. Cô trở thành vũ công thoát y thường biểu diễn tại các sự kiện hoặc quán rượu. Nhan sắc xinh đẹp cùng vũ điệu mê hoặc lòng người đã nhanh chóng giúp tên tuổi của Mata nổi tiếng, mỹ nhân bắt đầu lưu diễn tại nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Lúc này, Mata đang lưu diễn tại Berlin, Đức. Cô vô tình lọt vào mắt xanh của Karl Kroemer – một thống soái người Đức. Ông nhận thấy Mata hội tụ đầy đủ tố chất để có thể trở thành một điệp viên xuất sắc. Karl trao cho cô 20.000 franc để đổi lấy việc Mata moi thông tin từ quân đội Paris cho mình khi quay lại Pháp. Mata đồng ý với thỏa thuận này.
Trước trận chiến sông Marne, Mata đã moi được những bí mật quan trọng từ một sĩ quan chuẩn bị ra chiến trường. Cô đã gửi những thông tin này cho Đức và giúp quân đội Đức lật ngược tình thế, đánh bại quân Pháp. Sau đó, nữ gián điệp nhiều lần tình báo thông tin mật cho Đức và số tiền thù lao cô nhận được ngày một nhiều.
Nhận thấy Mata Hari có những mối tình với nhiều chính khách Đức nên mật vụ Pháp Geogres Ladoux đề nghị cô trở thành gián điệp cho mình và hứa sẽ trả số tiền thù lao là 1 triệu franc. Mata Hari nhanh chóng nhận lời mà không khai báo chuyện mình cũng là gián điệp cho Đức. Các chuyên gia nghiên cứu về Mata sau này cho biết, cô dường như không hiểu ý nghĩa thực sự của việc làm gián điệp.
Cô nhận nhiệm vụ quyến rũ tùy viên quân sự Đức Arnold Kalle do Pháp đề ra. Tuy moi được nhiều thông tin cơ mật từ Kalle nhưng Mata Hari cũng nhanh chóng bị ông phát hiện là gián điệp. Kalle cố tình gửi một loạt thông điệp bằng mật mã với mục đích làm lộ việc Mata là gián điệp hai mang. Vì ngây ngô không hiểu những thông điệp này nên Mata không biết mình đang trong tình thế nguy hiểm.
Tháng 12/1916, Ladoux phát hiện Mata Hari cũng nhận lời do thám cho Đức nên cử cảnh sát Pháp theo dõi cô 24/24. Tuy cung cấp thông tin đều đặn cho Ladoux nhưng nữ gián điệp không được nhận một đồng tiền công. Tiền cạn dần khiến Mata Hari phải sống ở những nhà trọ nghèo nàn, rẻ tiền.
Tháng 2/1017, nhiều cảnh sát ập vào khách sạn nơi Mata Hari cư trú và bắt giam cô với tội danh “gián điệp hai mang, đồng lõa với kẻ thù”. Cô bị giam giữ tại nhà tù Saint Lazare, rồi bị đưa ra xét xử trước tòa án Pháp. Đứng trước mặt các quan tòa, Mata Hari khẳng định cô đã làm tất cả có thể cho Pháp. Tuy nhiên, người đẹp vẫn phải lãnh án tử hình vì đã làm gián điệp cho Đức.
Sáng ngày 15/10/1917, buổi xử bắn Mata Hari diễn ra tại một vùng ngoại ô Paris. Đối mặt với cái chết, Mata từ chối đeo bịt mắt và bước ra bục thi hành với gương mặt bình tĩnh không hề sợ hãi hay khóc lóc. Cô ngẩng cao đầu trong sự kiêu hãnh khiến nhiều người lính thi hành án cũng phải thán phục. Cái chết của Mata Hari đã làm rúng động dư luận Pháp và Đức thời bấy giờ. Nhiều người bày tỏ lòng thương xót cho nàng vũ công xinh đẹp tài năng nhưng lại trở thành quân bài đáng thương trong thời chiến.
Comments