in

Những góc khuất ‘drama’ đằng sau chuyện tình đẹp như mơ của vợ chồng văn hào Fitzgerald

Nếu được hỏi đến cái tên đình đám trong nền văn học Mỹ, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến F. Scott Fitzgerald, tác giả của quyển tiểu thuyết kinh điển The Great Gasby.

Fitzgerald là một trong những nhà văn tài hoa nhất lịch sử nước Mỹ, đồng thời là người có nhiều đóng góp trong việc truyền bá sức ảnh hưởng của Thời đại Jazz (Jazz Age). Song, những gì mà đại văn hào đạt được trong suốt cuộc đời của ông thật sự không chỉ đến từ chính bản thân ông, mà còn ở sự cống hiến thầm lặng của vợ ông, Zelda Fitzgerald.

Cặp vợ chồng nhà Fitzgerald được mệnh danh là biểu tượng của nước Mỹ vào những năm 1920. Tuy nhiên, chuyện tình yêu của họ chẳng hề hoa mỹ như những gì người đời hay thấy. Mấy ai biết được chính F. Scott đã đánh cắp những tác phẩm của vợ và ngang nhiên đính tên mình lên đó.

Được biết, F.Scott gặp vợ vào năm 1918 khi ông tham gia vào quân đội. F.Scott đã yêu vợ mình từ cái nhìn đầu tiên và Zelda đã trở thành nàng thơ của ông. Zelda là con gái út của Anthony Sayre và Minnie Machen Sayre – thẩm phán của Tòa án Tối cao Alabama. Cả hai đã gặp gỡ lần đầu tiên tại một buổi tiệc. Lúc này, Scott vẫn còn là một đại úy trẻ tuổi từ đại học Princeton. Zelda bày tỏ việc mình có hứng thú với Scott cho gia đình, song họ khuyên cô gái trẻ tuổi nên tránh xa chàng đại úy.

Vợ chồng nhà Fitzgerald.

Về phần Scott, ông say mê bà đến mức, mỗi nhân vật nữ mà ông tạo ra trong những tác phẩm của mình đều dựa trên hình mẫu của bà. Thế nhưng, Zelda không đơn thuần chỉ là một cô nàng nhà bên với vẻ ngây ngô trong sáng. Bà hoang dại và nổi loạn, một cô nàng phóng khoáng, yêu thích tiệc tùng, rượu chè, khói thuốc và hết mình bên các chàng trai. Zelda luôn vướng phải rắc rối vì bản tính thích gây sự chú ý của bà. Nổi loạn và phóng túng là thế, nhưng không ai có đủ sức mạnh để có thể kiềm hãm bản tính này của Zelda.

Chính sự nổi loạn của Zelda đã khiến cả hai vợ chồng trở thành cặp đôi tạo nhiều tiếng vang nhất thời đó. Bà từng nhảy nhót trên nóc của những chiếc taxi ở New York, khỏa thân và lặn ở những đài phun nước. Scott đã ưu ái gọi bà là “The First America Flapper”, tức là người phụ nữ dẫn đầu xu hướng tự do và nổi loạn tại Mỹ vào những năm 1920.

Vì lo sợ rằng bản thân không thể sống sót trở về sau khi tham gia Thế chiến I, Scott đã chắp bút quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình. May mắn thay cho Scott, lúc này là một chàng thiếu úy trẻ, thỏa thuận đình chiến đã được thông qua trước khi ông xung trận. Quyển tiểu thuyết mang tên The Romantic Egotist của ông không được xuất bản dưới dạng bản gốc và ông buộc phải viết lại nó sau cuộc chiến ở New York.

Lúc này, quyển tiểu thuyết có tên là This Side of Paradise đã thành công rực rỡ. Tiền tài và danh vọng bắt đầu về tay Scott. Zelda sau đó đã rời bỏ quê nhà Alabama, theo đuổi Scott vào năm bà 19 tuổi.

Năm 1921, Zelda hạ sinh một bé gái và đặt tên là Frances Scott Fitzgerald. Cả hai vợ chồng đều không có bất kỳ tố chất nào để có thể quán xuyến việc gia đình, thế nên họ đã thuê một bà vú để chăm sóc cho cô con gái bé nhỏ của mình.

Lúc này, đôi vợ chồng son nhà Fitzgerald đều là những người trẻ tuổi, xinh đẹp, tân thời và tràn đầy sức sống. Bất kì ai cũng muốn là khách quý của đôi vợ chồng này. Cánh cửa danh vọng của Scott luôn mở rộng để tiếp đón những kẻ quý tộc ở New York. Còn Zelda luôn muốn được trở thành tâm điểm của sự chú ý. Bà là một người hóm hỉnh, vui nhộn, biết cách khiến người khác mê mẩn và bất ngờ, thế nên việc này dễ như trở bàn tay.

Những buổi tiệc sẽ thiếu đi niềm vui nếu vắng bóng Zelda. Những năm 1920 có lẽ là những năm tháng rực rỡ nhất, khi sự tiếng tăm và danh vọng đều gọi tên vợ chồng nhà Fotzgeralds.

Ở khoảng thời gian đầu, tình cảm mặn nồng của Zelda và Scott vẫn luôn khiến người đời phải ái mộ. Dần dà, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, mối quan hệ của cả hai bắt đầu trở nên độc hại, đầy mùi ghen tuông, thiếu thủy chung và họ bắt đầu kết tội lẫn nhau.

Vào năm 1922, Zelda phát hiện trong tác phẩm The Beautiful and Damned của chồng có bút ký của mình. Quả nhiên, đây không phải là trùng hợp, bởi lẽ Scott đã đánh cắp những lá thư, nhật ký của bà một cách ngang nhiên .

“Tôi nhận ra trang đó giống với một phần trong nhật ký của tôi. Quyển nhật ký này đã biến mất một cách bí ẩn sau khi tôi kết hôn. Không chỉ thế, quyển tiểu thuyết cũng có một số đoạn tương đồng với những mảnh vụn thư của tôi. Chắc hẳn ngài Fitzgerald – tôi tin đây là cách ông ấy luôn đánh vần tên của bản thân – đã đạo văn của tôi ngay trong chính căn nhà của chúng tôi.

Việc này đã dẫn đến mâu thuẫn trong hôn nhân giữa Zelda và Scott. Zelda đã gửi bản viết tay của tác phẩm mới cho biên tập viên của Scott. Khi ông phát hiện ra điều này, ông đã buộc bà tiêu hủy toàn bộ chúng. Theo tự truyện của cả hai, bản viết tay này của bà sẽ giống với tác phẩm tiếp theo của ông, Tender is the Night.

Tác phẩm của bà mang tên là Save Me The Waltz, là quyển tiểu thuyết duy nhất trong cả cuộc đời bà. Quyển tiểu thuyết bán được một vài bản và bà cũng thu về một vài phản hồi khá tiêu cực. Tệ hơn cả, Scott đã công khai tố cáo bà ăn cắp ý tưởng của mình và cho rằng trình độ văn học của bà quá kém cỏi.

Năm 1930, Zelda bị suy nhược và bà đã phải đi điều trị tâm lý. Bà bị chẩn đoán mắc phải một dạng tâm phần phân liệt gọi là rối loạn lưỡng cực. Đây là căn bệnh tâm lý mà người bệnh luôn chuyển giao giữa trạng thái hưng phấn và trầm cảm. Vào những năm 1930 và 1940, Zelda đã dành hầu hết thời gian của mình chỉ để ở trong bệnh viện.

Năm 1932, sự sáng tạo của Zelda bắt đầu được thổi bùng lên khi bà đang được điều trị tại bệnh viện John Hopkins ở thành phố Baltimore. Bà chủ yếu vẽ tranh và viết trong khoảng thời gian ở bệnh viện.

Mặc dù chính Scott cũng đã đưa những chuyện đời tư của cả hai vợ chồng vào tiểu thuyết, song ông vẫn tố cáo Zelda việc bà đã dùng tự truyện về cuộc đời họ như một nguồn cảm hứng sáng tác. Trong khi đó, bản thân ông cũng muốn đưa chuyện vợ chồng mình vào tiểu thuyết Tender is the Night. Lần cuối vợ chồng nhà Fitzgerald gặp nhau là trong chuyến đi đến Cuba năm 1938.

Zelda tiếp tục tiếp nhận điều trị tại bệnh viện Highland phía Bắc Carolina. Dù cho bệnh tình không có tiến triển, nhưng bà vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết. Vào ngày 10/3/1948, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát tại bệnh viện. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra tất cả các tầng bởi tòa nhà chủ yếu được xây dựng từ gỗ, khiến cho việc chữa cháy trở nên vô vọng. Zelda đã qua đời trong vụ hỏa hoạn vào năm 1947 cùng với 8 người phụ nữ khác trong bệnh viện.

Còn vô vàn câu chuyện lạ thường xung quanh đôi vợ chồng nổi tiếng này tuy nhiên phần nhiều trong số đó là những giai thoại và đồn đại. Những bí ẩn, những góc khuất, tranh cãi xem ai đúng ai sai rốt cuộc cũng là phần việc của lịch sử. Về phần hậu thế, tình yêu của Fitzgerald và Zelda vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho điện ảnh và văn học. Một tình yêu nhiều sóng gió nhưng vẫn là tình yêu đẹp.