Trong bài viết trước, QDC có chia sẻ về trường phái nghệ thuật khá ấn tượng của Nhật Bản, tập trung vào việc khắc họa những điều quái dị, bất thường, méo mó, đáng sợ.
Bắt đầu từ năm 1860 và nở rộ vào những năm 30 của thế kỉ trước, cho đến thời điểm hiện tại, trường phái nghệ thuật này đã lan rộng ra toàn thế giới và được nhiều người hâm mộ ở các quốc gia khác yêu mến, trong đó có Việt Nam.
Trong số những người nghệ sĩ vẫn đang sống với sở thích và lan tỏa Ero Guro, QDC đã rất may mắn phỏng vấn được một bạn nữ với nick name khá dễ thương, Chim Cu Màu Tím. Hãy cùng xem một nghệ sĩ theo trường phái Ero Guro có gì đặc biệt nhé!
Chim Cu Màu Tím, tên đầy đủ là Đặng Thị Mỵ Đình, sinh ngày 19/05/1997. Hiện tại, cô nàng đang là một freelancer vẽ tranh minh hoạ. Tuy nhiên, vào thời gian rảnh rỗi, Mỵ Đình vẫn say sưa vẽ những thứ mà mình yêu thích.
Cái duyên của Chim Cu Màu Tím và Ero Guro đến khá sớm. Năm lớp 6, cô bạn có được chiếc laptop đầu tiên, cũng là lần đầu tiên khám phá thế giới nghệ thuật rộng lớn trên Internet. Vì “sợ ma nhưng thích đọc truyện kinh dị” và vô cùng thích tranh cổ Nhật Bản, Chim Cu đã đã tìm ra Ero Guro, và bắt đầu say mê với nó.
Với Ero Guro, cô bạn như tìm thấy một “bản thể nghệ thuật” của mình vậy: Lộn xộn và điên, nhưng lại mang một vẻ đẹp khó cưỡng. Cô nàng Chim đã bị thu hút bởi những bức tranh đặc biệt đó, nhất là các bức tranh về quan hệ đồng giới nam.
Có thể đó là một thể loại tranh mà rất ít người có thể chấp nhận vì đa số tranh mô tả cảnh tượng bạo lực, máu me và điên rồ. Nhưng với Mỵ Đình, Ero Guro chỉ mới mô tả được 1 phần nào đó thế giới thực sự. Nếu không có những cái xấu, cái kì dị, chúng ta mãi mãi không biết được những điều tốt lại có thể đẹp đến nhường nào.
Nhất là về tình dục, nó giống như lửa vậy, có thể nấu thức ăn, cũng có thể đốt cháy khu rừng. Tuỳ theo sự hiểu biết và nhận thức để sử dụng nó mà thôi.
Giống như nhiều người vẽ tranh khác, Chim Cu Màu Tím cũng có những người nghệ sĩ truyền cảm hứng cho mình. Nghệ sĩ mà cô bạn tâm đắc chính là Katsushika Hokusai và hoạ sĩ truyện tranh kinh dị chịu ảnh hưởng là Junji Ito. Cô bạn hy vọng những bức tranh của mình cũng có thể truyền tải được nhiều thông điệp như thế.
Tuy nhiên, Mỵ Đình có vẻ chưa cảm thấy hài lòng lắm với thành quả của mình. Cô nói, các bức tranh mình vẽ hiện tại có lẽ chỉ mới được gọi là sản phẩm, chứ không phải tác phẩm.
Sự nghiệp trên giấy của Mỵ Đình bắt đầu từ rất sớm, nhưng chỉ khi mua được một cái bảng vẽ điện tử vào năm 2017, cô bạn mới tìm cho mình một phong cách riêng. Đình đã tập trung hơn về một lối, chính là miêu tả nội tâm thông qua các hình ảnh mà người xem nhìn vào có thể sẽ cảm thấy thấy hơi phản cảm là bạo lực và tình dục.
Đó có lẽ cũng là hướng đi song song với công việc minh hoạ cho các local brand. Khi hợp tác thương mại, Đình giảm nhẹ tần suất và mức độ để hợp hơn với số đông, còn khi vẽ cá nhân, cô bạn vẫn luôn trung thành với Ero Guro như một fan chân chính.
Con đường nghệ thuật không phải lúc nào cũng được trải hoa màu hồng. Khi Đình công bố album Động Vật theo phong cách Ero Guro, có bạn đã dùng những lời nói nặng nề, hình như Đình lúc nhỏ bị bạo hành và lạm dụng tình dục nên tư tưởng mới lệch lạc như thế. Còn có bạn lại nói cô gái này có tâm thần không ổn định…
Tuy nhiên, nghệ thuật chỉ là nghệ thuật, Đình đính chính. Cô bạn có cha mẹ cực kì cưng mình, cha cô cũng luôn ủng hộ hướng đi của con mình.
Đình vẫn trung thành với phong cách cá nhân, bất kể những lời ra tiếng vào. Hướng mà cô bạn muốn đi, không ai có thể cản. Nhất là khi Ero Guro tuy ở Việt Nam chưa được phổ biến, nhưng thế giới đã công nhận.
Hiện tại, theo lời Đình, cô bạn vẫn chưa chắc rằng có phải mình đang đi theo dòng Ero Guro hay không. Đơn giản, cô bạn chỉ dùng chất liệu này để thể hiện sở thích và nội tâm cá nhân. Nhưng Chim Cu Màu Tím chắc chắn sẽ tiếp tục sáng tác. Vì cái đẹp, vì nghệ thuật luôn là thứ thể hiện cá tính riêng của người nghệ sĩ. Và khi cá tính ấy vẫn còn gào thét, thì nghệ thuật vẫn còn hiện hữu trên những trang hình.
Hãy cùng xem đầy đủ loạt tranh Động Vật với phong cách Ero Guro của Chim Cu Màu Tím nhé!
Ngoài ra, Đình cũng vẽ một số loạt tranh khác nữa, đây là các tác phẩm của cô bạn. Hãy cùng chiêm ngưỡng nhé!
Comments