in

Những câu chuyện hấp dẫn nhất trong thần thoại cổ đại Trung Quốc

Dưới đây là danh sách những truyện kể thần thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa:

Thần thoại hành hương

Thần thoại hành hương chủ yếu nói về Quan Thế Âm, vị thần của lòng nhân ái và sự từ bi. Trong hầu hết các truyền thuyết, bà được miêu tả là một nữ nhân vận y phục màu trắng và tọa lạc trên đài sen.

Về xuất thân, bà được cho là bị cha ruột sát hại và khi xuống địa ngục bà đã đọc sách thánh về kinh phật, điều này khiến chúa tể địa ngục tức giận. Sau đó bà trở lại dương gian, đi theo Đức Phật và được ban phước về sự bất tử cùng quyền năng bảo trợ cho chúng sinh nhân loại. 

Thần thoại về khỉ

Cuốn tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết vào những năm 1590. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất kể về Tôn Ngộ Không, một trong những nhân vật quen thuộc trong thế giới thần thoại xứ Trung. 

Tôn Ngộ Không vốn là một chú khỉ sinh ra từ hòn đá ở biển Hoa Đông, sau xưng vương tại Hoa Quả Sơn rồi tầm sư học đạo, tinh thông phép thuật. Ngộ Không vốn tính tinh nghịch nên đã đại náo thiên cung, bị Phật Tổ Như Lai giam giữ trong ngọn núi Ngũ Hành suốt 500 năm. Sau này được nhà sư Huyền Trang giải cứu, nhận làm đồ đệ rồi cùng nhau lên đường thỉnh kinh, Ngộ Không tu thành chính quả và được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật.

Các học giả cho rằng hình tượng Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ truyền thuyết về Hanuman, vị anh hùng khỉ của Ấn Độ trong sử thi Ramayana.

Nữ thần Mặt Trăng

Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, nữ thần Mặt Trăng chính là Hằng Nga. Nàng là một nữ nhân có nhan sắc tuyệt trần sống trên cung trăng. Chuyện kể về nàng thường gắn liền với người anh hùng Hậu Nghệ.

Truyền thuyết phổ biến nhất về Hằng Nga được tương truyền như sau: Thuở xưa, trên bầu trời có mười mặt trời khiến thế gian luôn sống trong tình cảnh nóng bức, khô héo, sự sống bị thiêu đốt. Trước tình hình đó, Hậu Nghệ đã bắn rơi chín mặt trời cứu giúp dân chúng thoát khỏi cảnh lầm than. Sự việc này khiến Ngọc Hoàng tức giận vì những mặt trời kia chính là con trai của ông ta biến thành, thế nên Hậu Nghệ cùng vợ là Hằng Nga đã bị trừng phạt, đày xuống trần gian.

Hằng Nga rất đau khổ vì mất đi khả năng bất tử khi làm phàm nhân nên Hậu Nghệ đã lên đường đi tìm thuốc trường sinh cho nàng. Sau chàng được Tây Vương Mẫu ban cho thuốc bất tử và dặn dò viên thuốc phải chia làm hai, mỗi người uống một nửa.

Hậu Nghệ mang thuốc trở về cất trong một chiếc hộp, Hằng Nga thấy vậy liền tò mò tìm xem thử và phát hiện ra viên thuốc. Đúng lúc này phu quân quay trở về khiến nàng hốt hoảng và nuốt luôn viên thuốc. Hiệu lực của nó mang đến quá lớn khiến nàng bay lên trời và đến Mặt Trăng.

Trên cung trăng, nàng bầu bạn với Thỏ Ngọc làm công việc chế thuốc trường sinh. Câu chuyện này được gọi là Hằng Nga Bôn Nguyệt.

Nữ Oa tạo ra con người

Nữ Oa là nữ thần thủy tổ trong thần thoại Trung Quốc, bà mang hình dáng đầu người và thân rắn. Tương truyền rằng vào thuở hồng hoang lập địa, thế gian chỉ có thiên nhiên với núi non cây cảnh, vì vậy Nữ Oa đã sử dụng bùn ở Hoàng Hà và tạo ra thân hình con người. Sau đó, bà thổi pháp thuật vào cho những hình nộm có sức sống và linh hồn.

Nữ Oa ban phát khả năng sinh sản, thiết lập mối quan hệ hôn nhân cho loài người. Bà là vị thần tạo ra hình hài và cuộc sống của nhân loại. Cũng vì giúp con người thoát khỏi kiếp nạn lầm than mà bà đã luyện 36501 viên đá ngũ sắc và dùng 36500 viên để vá trời.

Phục Hy dạy loài người cách sống

Phục Hy là anh trai kiêm chồng của Nữ Oa nương nương, ông là vị thần sáng lập ra nền văn minh Trung Hoa. Theo Sơn Hải Kinh, Phục Hy và Nữ Oa sống trên núi Côn Lôn, một ngày kia hai người đã đốt lửa ở hai nhánh cây khác nhau, bỗng nhiên hai ngọn lửa nhập vào làm một. Thấy vậy, họ đã quyết định nên duyên vợ chồng.

Nữ Oa tạo ra con người và Phục Hy dạy nhân loại cách sinh sống. Ông là người đã tạo ra chữ viết, dạy nhân dân cày bừa, đánh bắt cá, nuôi gia súc, nấu ăn và săn bắn bằng vũ khí.

Phục Hy có hình dạng là đầu người thân rồng nên người dân thường gọi ông là Long tổ.

Bàn Cổ tạo ra thế giới

Bàn Cổ là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra Trung Quốc cổ đại. Sự tích về ông được kể như sau: Ngày xửa ngày xưa, từ rất lâu rồi tại một ngọn núi nọ xuất hiện tảng đá lớn thụ khí âm dương, hấp thụ sức mạnh của vũ trụ mà dần hình thành ra thai người. Sau mười tháng mười sáu ngày, tảng đá nứt ra và cho ra đời một vị thần mang hình hài con người được gọi là Bàn Cổ.

Vị thần ấy ngay lập tức tạo ra sự sống dưới trần gian, chỉ trời là cha, đất là mẹ và muôn dân là con. Ông sinh ra ba đứa con: Phục Hy, Nữ Oa và Hoa Tư để khai sáng, tạo nên đất nước Trung Hoa. Vạn vật, sinh khí, quan niệm về sự vận hành âm dương và vận mệnh đều do Bàn Cổ quyết định.