Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.
Mặc dù trước đây đã có những trường hợp tung tin giả bị nhà chức trách xử phạt hành chính, tuy nhiên mức phạt thấp và chưa đủ sức răn đe. Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hơn công tác quản lý an ninh mạng, an toàn thông tin cho các nhân và các tổ chức, đặc biệt là ngăn chặn tin giả gây hoang mang trong dư luận, dẫn đến thiệt hại cho kinh tế, xã hội thì chính phủ quy định rõ điều tại điều 101 khoản 1 về Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, bao gồm một số nội dung chi tiết mà người dùng Facebook và các mạng xã hội khác cần lưu tâm:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
– Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
– Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
– Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
– Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Có thể nói đây là một bước đi mạnh mẽ của Thủ tướng chính phủ để đánh trực tiếp vào các đối tượng đưa tin giả trên Facebook. Trước đây, nhiều người cho rằng lời nói gió bay, bài đăng trên mạng xã hội lại càng dễ xóa và không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy nhiên suy nghĩ này cần phải thay đổi ngay lập tức vì bất cứ bài đăng nào trên tường nhà có nội dung vi phạm cũng có thể khiến bạn bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đối với nghị định 15/2020/NĐ-CP, người dùng mạng xã hội cần cực kỳ cẩn trọng khi viết bất cứ nội dung nào có liên quan đến sự ổn định của cộng đồng, xã hội. Đồng thời, mỗi khi bấm nút “Share” để chia sẻ thông từ một trang khác, bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm nếu trang đó được xác định là nguồn tin bị cấm.
Như vậy, người dùng Facebook cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc lan truyền một thông tin nào đó, bởi vì quyền tự do ngôn luận của mỗi người không phủ nhận việc người đó phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ phát ngôn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng không đăng, không chia sẻ các thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà chưa được phép, vì điều 101 khoản 2 của nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt đến 30 triệu đồng nếu xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân (ví dụ clip đánh ghen, số tài khoản cá nhân, bệnh án, các thông tin nhạy cảm khác).
Comments